DiDi – dịch vụ gọi xe lớn nhất Trung Quốc tiếp tục rơi vào vụ “lùm xùm” với các cơ quan quản lý của Trung Quốc. Chủ nhật vừa qua, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã cấm DiDi khỏi các cửa hàng ứng dụng sau khi công ty vi phạm về thông tin bảo mật và an ninh mạng của khách hàng.
Cụ thể, Cục quản lý cho biết: “Ứng dụng DiDi Chuxing bị phát hiện đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp khi khai thác và sử dụng trái phép thông tin cá nhân người dùng”. Họ kêu gọi DiDi khắc phục sự cố với ứng dụng của mình để tuân thủ hoạt động theo luật pháp của quốc gia và phải cam kết đảm bảo an toàn cho khách hàng của mình.
Trước tình hình đó, phía DiDi đã ngầm thừa nhận rằng: “Chúng tôi xin chân thành cảm ơn bộ phận hướng dẫn khắc phục những rủi ro của DiDi, chúng tôi sẽ kiếm soát và cải thiện các rủi ro xảy đến, hơn nữa sẽ cung cấp các dịch vụ an toàn và tiện lợi hơn rất nhiều cho khách hàng của mình”.
Ngay sau đó, DiDi tuyên bố họ sẽ tạm thời gỡ ứng dụng khỏi các cửa hàng để nâng cấp và thực hiện các thay đổi đối với ứng dụng của mình nhằm đáp ứng yêu cầu của Cục quản lý. Ngoài ra, theo số liệu thống kê chỉ tính riêng ở Trung Quốc, Didi đang có đến 377 triệu người dùng tích cực. Nhưng đối với khách hàng và tài xế đã tải xuống ứng dụng, họ vẫn có thể tiếp tục sử dụng mà không bị gián đoạn.
Mặt khác, lệnh cấm này được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi DiDi niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán New York trong đợt chào bán cổ phiếu lớn nhất tại Mỹ, kể từ khi Alibaba ra mắt vào năm 2014. Vì thế, chỉ sau hai ngày, giá cổ phiếu của công ty DiDi (mã DIDI) đã giảm rất “nhiệt tình” khi Trung Quốc ra lệnh tạm dừng việc đăng ký người dùng mới trên ứng dụng DiDi. Theo tuyên bố của Cục quản lý, việc đình chỉ được đưa ra nhằm “ngăn chặn việc lan rộng rủi ro” trong quá trình “rà soát an ninh mạng” đối với công ty.
Lệnh cấm của Cục quản lý thể hiện hành động của Trung Quốc đối với DiDi ngày càng siết chặt, đó cũng là một phần của việc thúc đẩy các cuộc kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các công ty Big Tech ở Trung Quốc.
Vào tháng 3, chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa – Tập Cận Bình có nhấn mạnh về sự cần thiết của việc điều chỉnh các công ty phát triển “nền tảng”, hay các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực tuyến cho khách hàng ở Trung Quốc. Ngoài ra, ông cũng đã xác nhận các cuộc thăm dò, yêu cầu các doanh nghiệp nghiêm chỉnh tuân thủ quy định là một trong những ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc vào năm 2021. Hơn nữa, ông tiếp tục kêu gọi các cơ quan quản lý phải xem xét kỹ lưỡng hành vi của các công ty phát triển ngành công nghệ.
Sau chỉ thị đó, chỉ trong vài tháng qua, một số công ty ngành công nghệ đã phải đối mặt với các cuộc điều tra vì bị cáo buộc có hành vi độc quyền hoặc vi phạm quyền của khách hàng khiến công ty phải chịu các mức tiền phạt kỷ lục và khoản thiệt hại khổng lồ cho các đợt “đại tu” sản phẩm/dịch vụ của mình.
Riêng tập đoàn Alibaba (BABA), tháng 4 vừa qua “gã khổng lồ mua sắm trực tuyến” do Jack Ma đồng sáng lập, đã bị phạt mức kỷ lục 2.8 tỷ USD sau khi các cơ quan quản lý chống độc quyền kết luận công ty đã hành xử như một công ty độc quyền. Vài ngày sau khi án phạt được ban hành, Ant Group – một bộ phận khác trong đế chế kinh doanh của Jack Ma được lệnh phải cải thiện lại hoạt động và trở thành công ty cổ phần tài chính do ngân hàng trung ương giám sát.
Sau các đợt giám sát này, Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường của Trung Quốc đã tập hợp 34 công ty nhằm đưa ra cảnh báo dừng mọi hành vi chống cạnh tranh và ra lệnh thanh tra nội bộ. Không ngoại lệ, DiDi cũng nằm trong số các công ty được triệu tập đợt này.
Nguồn: CNN Business