Mảnh đời qua những trang viết
Qua hơn nửa năm kể từ khi phát động, cuộc thi đã nhận được hàng trăm truyện ngắn, nhiều tiểu thuyết của các nhà văn và những cây viết không chuyên tham gia.
“Các tác phẩm bước đầu đã làm nổi bật ý nghĩa của cuộc thi. Đó là cổ vũ, tôn vinh những đóng góp của giai cấp công nhân, người lao động - lực lượng đông đảo có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước cũng như vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, nâng đỡ, động viên người lao động”- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương cho biết.
Ông cũng mong mỏi cuộc thi tiếp tục được lan toả, thu hút sự quan tâm của người viết, tạo dòng chảy mạnh trong văn học Việt Nam mà ở đó người lao động, công nhân, nhất là ở lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và tổ chức Công đoàn sẽ là nhân vật văn học có vị trí trung tâm.
Nhiều truyện ngắn không chỉ nêu bật được chân dung của người lao động mà còn đề cập đến những vấn đề thời sự, những góc khuất của cuộc sống. Tác giả Nguyễn Cẩm Hương là một cán bộ về hưu đang sống tại Thanh Hoá khi đặt bút viết truyện ngắn “Ở giữa đường biên” chọn đề tài liên quan đến dịch COVID-19 với những nỗ lực vượt qua dịch bệnh và thông qua đó là những hy sinh vất vả của lực lượng y, bác sĩ trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19.
“Bệnh nhân mở mắt nhìn xung quanh, trên mặt đã thoáng không còn dây dợ loằng ngoằng nữa, nhưng những bóng trắng đâu hết rồi nhỉ, ô kìa sao những bộ áo trắng lại đang gục đầu la liệt trên bàn, trên ghế, có cả người lăn ra giữa sàn nhà thế kia, họ làm sao vậy nhỉ. Ồ họ đang ngủ, ngủ ngon lành. Bất giác trên môi bệnh nhân nở một nụ cười” cái kết nhẹ nhàng của “Ở giữa đường biên” nhưng mở ra những yêu thương, xen lẫn trăn trở…
Còn ở tác phẩm “Khi phố đã lên đèn”, tác giả Vũ Trường Anh ở Tam Kỳ (Quảng Nam) đã dùng ngòi bút của mình để đặc tả công việc của những công nhân vệ sinh. Họ là những người thầm lặng, làm đẹp phố phường, ngay cả ở những thời khắc thiêng liêng.
“Khi đất trời chuyển giao cái thời khắc thiêng liêng nhất, cũng là lúc Thanh cùng bao đồng sự của mình phải tất bật với công việc thường ngày. Chừng ấy con người vẫn đi, vẫn vui vẻ, vừa làm vừa nói, vừa chúc nhau những gì tốt đẹp nhất nhân ngày đầu của năm mới. Chừng ấy con người vẫn lặng lẽ đi về trong đêm giao thừa như bao nhiêu năm khác. Họ đã quen rồi. Với họ, giao thừa ngoài đường đẹp lắm. Muôn màu muôn vẻ”.
Thật là dung dị, chân dung những người lao động vụt sáng, lung linh. Với họ, những khó khăn của cuộc sống không còn là những điều bận tâm nhất.
Truyện ngắn “Cái chổi” của Trần Mỹ Thương - một cán bộ tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hà Giang, xã Linh Hồ, Vị Xuyên, Hà Giang lại cho thấy góc nhìn khác về những người lao động với những khó khăn, giằng xé giữa gia đình, công việc.
“Chị buông tay, đeo đôi găng tự may vào đôi tay nhỏ, giở cái túi cầm theo ra cho nó bỏ mấy cái khẩu trang vào, rồi chị nhanh tay giành phần nhặt cái que test bỏ nốt vào túi, buộc lại. Chị thường đi bộ đón con, dù việc nhà lúc nào cũng bận tới tấp đợi chị về, thể nào về muộn cũng bị chồng cằn nhằn mấy câu. Nhưng lớp chuyên biệt phục hồi chức năng mà thằng con chị học cũng gần nhà. Và nữa, chỉ có những lúc chị dắt nó lang thang vỉa hè, nhặt nhạnh rác rưởi, nó mới tỏ vẻ ngoan ngoãn, không quấy phá.
Chị phát hiện ra cái tia sáng ấy khi vô tình dựng xe ở lề đường nhặt mấy cái vỏ chai nhựa bỏ túi mang về, vừa sạch sẽ đường phố, vừa tích cóp bán được vài đồng lẻ cho con ăn sáng. Vốn việc của chị cũng là công nhân môi trường, cả đời quét tước cho phố phường sạch đẹp. Những người lao công như chị, phía hông xe chở rác bao giờ cũng có vài cái túi bóng to hoặc cái bao tải dứa để đựng đồ sắt, nhựa nhặt nhạnh được trong khi quét rác, gom góp mỗi lần bán cũng được kha khá tiền mắm muối, mãi rồi thành thói quen, thấy đâu cũng nhặt.
Lần ấy thằng bé cứ ư ứ nhất quyết đòi xuống xe, tấp tểnh bước theo, cúi nhặt cùng mẹ, lại còn khăng khăng nhặt cả mấy cái khẩu trang, túi bóng vương vãi quanh đấy rồi chạy lạch bạch một cách khó khăn về phía cái thùng rác công cộng đòi mẹ bế lên bỏ vào, xong cứ hềnh hệch cười vẻ thích thú lắm…” để rồi bất chấp những vất vả, họ đã lại tìm thấy hạnh phúc và tình yêu gia đình, công việc.
Trong các tác phẩm dự thi, mảng đề tài về công nhân lao động trực tiếp cũng được các tác giả đề cập. Trong truyện ngắn “Máu mỏ”, tác giả Vũ Thị Minh Huyền cho thấy chân dung của người thợ mỏ đã gắn bó cả đời mình với vùng than: “Khi tôi viết những dòng này thì bác đã ra đi ở tuổi ngoài 60 vì sức khỏe yếu. Khi bác mất, tôi không có ở bên nhưng khi nhìn bác lần cuối, tôi thấy bác như đang mỉm cười, mặt mày vẫn rạng rỡ như ngày nào. Ai cũng nói bác sướng cả đời khi chết mới thanh thản vậy, nhưng riêng tôi, tôi nghĩ bác cả đời gắn bó với mỏ, dòng máu mỏ đã tiếp thêm niềm tin cho bác trong cuộc sống, chỉ có máu mỏ, đất mỏ mới nuôi dưỡng nên những người công nhân như vậy. Đời này bác chỉ có mỏ thôi!!!”.
Chuyện về những cán bộ công đoàn
Cùng đề tài về thợ mỏ, nhà văn Vũ Đảm lại có góc nhìn về một nữ cán bộ công đoàn, người từng bị tai nạn lao động mất đi cánh tay nhưng nhất quyết sát cánh với anh em thợ.
“Chồng con chị nhất quyết bắt chị phải nghỉ việc, từ bỏ cái nghề nguy hiểm này để ở nhà, người con cả đang làm giám đốc một công ty tư nhân còn nói hằng tháng sẽ trả cho chị gấp đôi số lương mà chị đang hưởng của công ty nhưng chị thuyết phục chồng con cho chị tiếp tục công việc, vài ba năm nữa chị về hưu luôn thể. Chị làm thợ mỏ không phải vì tiền mà vì không muốn nhìn thấy những cái chết, những thương tật suốt đời của người thợ mỏ.
Còn Giám đốc Hữu Đạt gọi chị lên trao đổi, chị là nữ thợ mỏ hiếm hoi của ngành than gắn mình với thợ mỏ, với những công việc vất vả, nguy hiểm trong hầm lò, chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và bây giờ... Ông chần chừ một lúc như thăm dò ý chị rồi nói:
- Ban giám đốc sẽ rút chị lên làm Phó giám đốc hoặc Chủ tịch Công đoàn công ty, chị chọn đi.
Chị im lặng một lúc, đáp lời:
- Tôi muốn tiếp tục công việc ở Ban An toàn lao động, bài học xương máu mất một bàn tay không thể làm tôi nhụt chí, nó càng làm cho tôi quyết tâm với cái nghề vô cùng quan trọng với người thợ mỏ…”.
Đoạn văn trong truyện ngắn của Vũ Đảm đã khắc hoạ được nỗi vất vả và tình yêu của cán bộ công đoàn với người lao động, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân để chăm lo cho người thợ.
Viết về công đoàn và cán bộ công đoàn tưởng chừng khô khan, khó đọc. Thế nhưng với sự tài tình của những cây viết, hình ảnh cán bộ công đoàn hiện lên chân thực, gần gũi và rất đẹp. Trong truyện ngắn “Chuyến tàu đêm” của tác giả Phan Nhật Thiện, nhân vật ông Ước - một cán bộ công đoàn về hưu, trải qua nhiều thăng trầm vẫn giữ được khí chất của một người lính, một người thợ và một cán bộ công đoàn: “Ông Ước cứ thành tâm nói, nói mãi làm gã thanh niên đâm ra lưỡng lự trước việc bỏ đi hay nghe theo lời ông, nhưng có lẽ trong tình huống này gã cũng không biết làm gì và nói gì, nên cuối cùng đành thả bước theo ông Ước.
Ở phía sau anh Độ thì cầm đèn pin đi theo, rọi sáng đường cho hai người một già một trẻ đi ngược về hướng ga Sông Phan. Vừa đi ông Ước vừa tiếp tục động viên, tâm sự nhỏ to - công việc mà ông thường hay làm khi còn đương chức trong ngành Công đoàn đường sắt: “Cậu biết không, nơi mình đang bước đi, hồi trước giải phóng là địa danh Rừng Lá, là căn cứ cách mạng của đồng bào ta. Biết bao nhiêu xương máu của những người đi trước đã ngã xuống, họ phải đánh đổi để có được cuộc sống tự do và sung túc như ngày hôm nay. Thế nên trân trọng cuộc sống của mình là cách đơn giản nhất để nhớ ơn những hy sinh to lớn đó. Ở đời ta hiểu có hai việc khó nhất là sống và chết. Sống thì phải phấn đấu cho hạnh phúc, còn chết thì phải bình an...”.
Những trang viết ấm áp tình người từ giai đoạn đầu cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn mang lại nhiều tín hiệu vui. Và hy vọng đó cũng là những điều động viên, khích lệ để Ban tổ chức cuộc thi mong mỏi tiếp tục nhận được những tác phẩm hay, những chân dung người lao động, cán bộ công đoàn để mảng đề tài này thực sự trở thành một dòng chảy trong đời sống của văn học nước nhà.