ByteDance Ltd – chủ sở hữu của ứng dụng nổi tiếng TikTok tại Trung Quốc, đã hoãn vô thời hạn ý định niêm yết cổ phiếu ra nước ngoài vào đầu năm nay, sau khi các quan chức chính phủ yêu cầu công ty tập trung vào giải quyết các rủi ro bảo mật dữ liệu.
Theo một số thành viên trong công ty, “gã khổng lồ” về truyền thông xã hội, TikTok có giá trị vốn hóa thị trường là 180 tỷ USD, theo giá trị tính toán vào tháng 12 vừa qua. Đây cũng là thời điểm công ty cân nhắc đến đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng với tất cả hoặc một số doanh nghiệp của mình tại Mỹ hoặc Hồng Kông.
Nhưng nhà sáng lập TikTok – Zhang Yiming, đã quyết định dời kế hoạch sang cuối tháng 3, ngay sau cuộc họp với các cơ quan quản lý không gian mạng và chứng khoán, trong đó yêu cầu công ty tập trung giải quyết các rủi ro bảo mật dữ liệu và các vấn đề khác.
Ngoài ra, công ty có những lý do khác để trì hoãn việc niêm yết. Theo một nguồn tin thân cận cho biết, vào thời điểm đó công ty không có giám đốc tài chính.

Có thể thấy, cách tiếp cận thận trọng của ByteDance trái ngược với cách tiếp cận của “gã khổng lồ” gọi xe Trung Quốc Didi Global – công ty điều hành ứng dụng đặt xe phổ biến của đất nước. Didi đã thúc đẩy kế hoạch niêm yết tại Mỹ bất chấp đề xuất từ cơ quan quản lý không gian mạng trong bối cảnh lo ngại rằng một số dữ liệu của họ có thể rơi vào tay nước ngoài.
Vào cuối tháng 6, Didi đã huy động được 4,4 tỷ USD nhưng hiện tại đang là đối tượng của một cuộc điều tra an ninh mạng. Ứng dụng của Didi chiếm 90% thị phần gọi xe công nghệ và 25 ứng dụng khác mà công ty vận hành đã bị yêu cầu gỡ bỏ khỏi các cửa hàng ứng dụng Trung Quốc.
Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc, Cơ quan quản lý Internet của quốc gia và Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc đã không trả lời yêu cầu bình luận nào.
Kể từ tháng 11, các nhà chức trách Trung Quốc, đã tăng cường thực thi đối với các công ty công nghệ của nước này. Với một cuộc đàn áp chống độc quyền sâu rộng và các quy tắc mới để điều chỉnh các hoạt động thu thập dữ liệu và an ninh mạng. Một số công ty khác, bao gồm Alibaba và công ty giao hàng trực tuyến Meituan cũng bị cuốn vào lưới kéo này.
Mối quan tâm của người dùng ở Bắc Kinh là dữ liệu do các công ty công nghệ của Trung Quốc thu thập, có thể bị xâm phạm do bị tiết lộ nhiều hơn liên quan đến danh sách cổ phiếu được niêm yết chính thức tại Hoa Kỳ. Các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc xử lý việc thu thập và sử dụng dữ liệu không đúng cách để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Trước tình hình đó, vào thứ 3, Trung Quốc cho biết họ sẽ thắt chặt giám sát việc niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý chứng khoán đang soạn thảo các quy tắc, yêu cầu các công ty đăng ký ở nước ngoài phải có được sự chấp thuận của cơ quan quản lý trước khi bán cổ phần ở thị trường quốc gia đó, với việc cơ quan quản lý không gian mạng dẫn đầu giám sát liên ngành đối với các ứng viên IPO để đảm bảo kế hoạch của họ không xâm phạm đến bảo mật và an ninh quốc gia.
Sau đó vào thứ 7, cơ quan này đã dự thảo đề xuất sửa đổi quy tắc rà soát an ninh mạng của riêng họ, nhằm yêu cầu các công ty quản lý nền tảng mạng xã hội sở hữu hơn 1 triệu người dùng phải trải qua một cuộc đánh giá về an ninh mạng nếu họ muốn niêm yết ở thị trường nước ngoài.
Trước đây, các công ty Trung Quốc thường không cần sự cho phép của cơ quan quản lý không gian mạng để niêm yết ở nước ngoài. Nhưng đến cuối năm 2020, một sự kiện rầm rộ nổ ra khiến tình hình căng thẳng giữa Mỹ – Trung ngày càng cao trào, chính quyền bắt đầu yêu cầu một số công ty công nghệ thông báo về khả năng niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài và giải quyết các lệnh phê duyệt không chính thức.
Trong trường hợp của ByteDance, các nhà quản lý Trung Quốc không bao giờ thẳng thắn kêu gọi sự trì hoãn trong các đợt chào bán cổ phần có thể xảy ra. Nhưng họ lại lo ngại về việc tuân thủ bảo mật dữ liệu của các ứng dụng của ByteDance ở Trung Quốc. Trong các cuộc họp, các nhà quản lý an ninh mạng mong muốn nắm được cách mà ByteDance thu thập, lưu trữ và quản lý dữ liệu của người dùng.
Công ty ByteDance đã chạy các ứng dụng được sử dụng bởi hàng trăm triệu người ở Trung Quốc, bao gồm cả ứng dụng video ngắn Douyin và Jinri Toutiao, hay Today’s Headlines. Theo đó, thông tin cá nhân mà người dùng sẽ bị thu thập từ ứng dụng Douyin có thể bao gồm số điện thoại di động, ngày sinh, tên thật và số ID.
Không chỉ vậy, đầu năm 2018, chính quyền Bắc Kinh đã tạm ngừng truy cập một ứng dụng trò chơi mang tên Neihan Duanzi. Đây là ứng dụng do công ty ByteDance điều hành và bị tạm ngưng vì lý do nó chứa nội dung thô tục. Với sự việc này, ông Zhang đã đáp lại bằng một bài đăng dài trên mạng xã hội xin lỗi và hứa sẽ bổ sung thêm nhiều người kiểm duyệt.
Nhiều nguồn tin đáng tin cậy cho biết: trước những lo ngại của Bắc Kinh, ông Zhang đánh giá rằng vì môi trường chính trị và những quy định khắt khe của chính quyền Trung Quốc nên thời điểm hiện tại không thích hợp để tiến hành IPO.
*IPO: Phát hành công khai lần đầu, việc chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng.
Vào ngày 23/4, đại diện công ty ByteDance cho biết trong một tuyên bố trên tài khoản mạng xã hội của mình rằng: “Sau khi nghiên cứu nghiêm túc, chúng tôi nghĩ rằng công ty không đáp ứng các yêu cầu cần thiết để niêm yết cổ phiếu và hiện tại cũng không có kế hoạch tương tự như vậy”. Tuy nhiên, trong khi cộng đồng mạng xã hội muốn biết nhiều thông tin hơn về vấn đề này thì cùng thời điểm đó, công ty lại không cung cấp thêm bất cứ lời giải thích cho quyết định của mình.
Cùng với đó, những người đã có nhiều tìm hiểu về Bytedance cho biết: Công ty không chỉ có cổ phần của Didi – thành phần thua lỗ trong nhiều năm qua mà còn có cả cổ đông của các công ty khởi nghiệp giá trị nhất thế giới như Sequoia Capital và KKR & Co. Vậy nên, nền kinh tế tài chính của công ty Bytedance chưa cần thiết phải vội vàng niêm yết.
Vào tháng 6, công ty đã nói với các nhân viên rằng doanh thu năm ngoái của họ đã tăng hơn gấp đôi lên 34,3 tỷ USD khi quảng cáo trên các nền tảng của họ tăng lên, trong khi lợi nhuận gộp tăng lên 19 tỷ USD.

Trong năm nay, ByteDance đã bị chính quyền phản ánh và xử lý vì nhiều hành vi vi phạm, bao gồm thu thập quá nhiều thông tin cá nhân của người dùng và nội dung không phù hợp.
ByteDance là một trong số 13 công ty internet bị các cơ quan quản lý tài chính triệu tập và yêu cầu cần phải tuân thủ chặt chẽ hơn các quy định về dữ liệu cũng như những khoản cho vay của họ trong tháng Tư. Đồng thời, ByteDance cũng nằm trong số gần 30 công ty công nghệ Trung Quốc đã cam kết công khai tuân thủ luật chống độc quyền.
Vào tháng 5, ông Zhang – người sáng lập của công ty đã từ chức giám đốc điều hành và gia nhập một nhóm các nhà lãnh đạo công nghệ đã từ chức khi chính phủ ngày càng gia tăng áp lực lên lĩnh vực này.
ByteDance cũng đã phải đối mặt với áp lực từ các cơ quan quản lý của Mỹ. Chỉ mới năm ngoái, cựu Tổng thống Hoa Kỳ – Donald Trump đã đưa ra lo ngại về dữ liệu và các thông tin mà ứng dụng TikTok của ByteDance thu thập từ người dùng có thể được chia sẻ với chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, TikTok đã phủ nhận điều này.
Vào tháng 6, chính quyền Biden đã huỷ bỏ nỗ lực từ thời của ông Trump để cấm TikTok ở Mỹ. Dù vậy, TikTok ở Mỹ vẫn phải đối mặt với việc xem xét rộng rãi các ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát để xác định chúng có gây ra mối đe dọa cho an ninh Mỹ hay không.
Nguồn: The WSJ