Chiếc nôi và chân trời…

Bồng em mà bỏ vô nôi

Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu

Mua vôi chợ Quán chợ Cầu

Mua cau Bất Nhị mua trầu Hội An…

(Hát ru em xứ Quảng)

Nhỏ, ai cũng nhớ những câu hát ru em đó. Sức sống của văn học dân gian là ở chỗ mỗi nơi có thể vận dụng nhiều địa danh thay cho những chợ Quán, chợ Cầu, Bất Nhị, Hội An là tùy theo quê chốn của mỗi người.

Nôi, hồn tre, hồn người…

Quê tôi ở Điện Bàn. Từ cố đến nội rồi cha tôi, ai cũng biết đan nôi cho con cháu. Nhưng cha tôi kể, khi mẹ tôi có mang tôi thì ông nội tôi đã đốn cây tre loại thượng hạng trong bụi tre vườn vừa độ già để ngâm, lựa những đoạn thẳng, dày cật chẻ thành nan rồi gác lên giàn bếp vài tháng trước khi đem ra đan chiếc nôi cho cháu nội. Cha tôi nói nội là một trong những thợ tre giỏi trong làng, ông chẻ tre đan cót, đan phên, làm rui mè, đòn tay tre… gánh bộ ra Tourane (Đà Nẵng) hoặc xuống Faifo (Hội An) bán cho người ta làm nhà. Nhưng với chiếc nôi đan cho cháu đích tôn, ông đặc biệt coi trọng, lựa nan rất kỹ. Cho đến sợi mây cột trên vành nôi ông cũng lặn lội đi tìm loại mây tốt. Ông gởi gắm vào chiếc nôi ấy bao niềm hy vọng không nói thành lời.

Chiếc nôi và chân trời… Cái nôi là một gợi nhớ, gợi ý miên man từ tuổi nhỏ đến quê quán và hơn thế nữa

T.Đ.T

Cha tôi kể nội tuy ít học nhưng luận về cây tre thì đâu ra đó. “Con người ta với cây tre thiệt là thủy chung. Lọt lòng ra đã nằm nôi tre, lớn lên chút thì chõng tre, giường tre. Có hạt gạo bỏ bụng thì lại giần, sàng, nong nia, cán cuốc cán rựa. Đưa hạt cơm vào bụng là đôi đũa tre. Có cái nhà cũng cần đến tre. Đến chết thì sợi tre cật cột cái áo quan, cái đòn kê áo quan cũng là từ cây tre…”.

Từ thời cha tôi về trước, cây tre không thể thiếu trong đời sống. Cho nên ông nội đan cái nôi tre cho vừa ý cũng mất vài ba ngày. Rồi còn lựa sợi dây dừa để cột bốn tao nôi sao cho đẹp, cắt tấm chiếu lót trong nôi, cái màn che ruồi muỗi quanh nôi cũng tự tay ông tìm. Lúc đứa bé là tôi cứng cáp, cũng tự tay ông cột cái nôi trên cây đòn tay, thả nôi xuống bên cạnh giường mẹ tôi để bà tiện tay ru khi tôi thức giấc…

Khi đứa bé tròn một tháng tuổi, người ta làm lễ đặt tên, tạ ơn 12 bà mụ đã bảo vệ, dạy bảo cho con trẻ từ trong bụng mẹ. Một tháng tuổi con có thể nằm nôi, có khi đến tròn tuổi mà vẫn còn nằm nôi dù đã làm lễ “thôi nôi”, để được cha mẹ, ông bà ru cho giấc ngủ. Và ông lại hát ru cháu:

Bồng em mà bỏ vô nôi

Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu…

Chiếc nôi dưới mắt người nước ngoài

Có lẽ ít tác giả người nước ngoài nói về chiếc nôi tre dành cho trẻ con Việt Nam. Trên Google, có gần nửa triệu trang có từ “nôi tre” được tìm thấy trong 0,54 giây. Nhưng ta thấy gì? Toàn là các loại “nôi điện” để ru con tự động, các loại nôi gỗ, các cơ sở bán nhiều loại nôi trên mạng. Có vài loại nôi giống xưa nhưng đặt trên các kệ gỗ, sắt vuông vức. Tuyệt nhiên không tìm thấy những bài viết liên quan đến nguồn gốc, ý nghĩa của chiếc nôi tre với cuộc đời mỗi người.

Chiếc nôi và chân trời… Bìa cuốn Nam Biều ký của tác giả Nhật Shihoken Seishi

T.Đ.T

Tình cờ trong cuốn Nam Biều ký của tác giả Nhật Shihoken Seishi viết từ năm 1794 mô tả hành trình 6 tháng lưu lạc của các thủy thủ Nhật trên đường chở gạo bị bão gió đẩy giạt đến xứ An Nam, tôi đọc được đoạn này: “…Khi đứa nhỏ nhất khóc, họ cho nó bú, rồi bỏ nó vào một chiếc nôi được mắc từ trần nhà xuống và dùng một sợi dây để kéo nôi đung đưa giúp cháu ngủ ngon hơn… Thêm nữa vì nôi được treo đung đưa trên sàn nhà nên tránh được ruồi muỗi và các con bọ. Hoặc khi ngủ quên đứa bé cũng không bị lăn xuống đất gây nguy hiểm như ở trên giường. Vải dùng trong nôi cũng rất mỏng. Một tấm vải khoảng hai thước, chiều ngang một thước được dùng để bọc xung quanh, đáy nôi được bện bằng mây. Đây thật sự là một đồ vật thật kỳ thú và hết sức sáng tạo” (trích sách đã dẫn, trang 134)

Mấy mô tả và nhận xét ngắn ngủi ấy là rất quý, cho thấy chiếc nôi đã có mặt trong đời sống người Việt phương Nam từ giai đoạn tranh giành lãnh thổ giữa triều Tây Sơn và Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long) trên đất Gia Định cũ.

Nhưng nếu là người Việt, ta sẽ thấy đứa bé nằm trong nôi ấy còn được hưởng cả một gia tài những bài hát ru em thấm đẫm các sắc thái văn hóa dân gian. Đó là một gia tài về dân ca nhạc đầu đời và cả những giá trị đạo đức cổ truyền của dân tộc.

Chính hình ảnh của chiếc nôi xưa, ngày nay trong từ vựng tiếng Việt ta còn có thêm những chiếc nôi khác, mà từ “nôi” thường là một tiền tố quan trọng của một cụm từ. Chẳng hạn, Bình Định, Quảng Nam là những chiếc nôi của sân khấu Tuồng, Bắc Ninh là chiếc nôi của Quan họ, Việt Bắc là chiếc nôi của cách mạng giải phóng dân tộc…

Nôi còn được coi là nơi phát sinh ra, nuôi dưỡng một lĩnh vực văn hóa hoặc vật chất nào đó, có khi là cả lịch sử. Bởi vậy, với âm nhạc Phạm Duy, Tình ca là bài hát đã đi vào trái tim yêu của bao thế hệ, bởi hình ảnh chiếc nôi và lời ru:

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi!

Mẹ hiền ru những câu xa vời

À à ơi! Tiếng ru muôn đời

Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui

Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi

Tiếng nước tôi!Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi

Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi

Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi

Vững tin vào mộng đẹp ngày mai…

Ôi cái vành nôi ấy đã dắt ta đến bao nhiêu là chân trời!

Link nội dung: https://chungkhoanthegioi.vn/cai-noi-la-gi-a50395.html