Nauru với tên gọi chính thức là Cộng hòa Nauru, vốn là hòn đảo nằm ở Micronesia (tiểu vùng của châu Đại Dương). Hòn đảo được những rặng san hô bao bọc, thuộc phía đông nam Thái Bình Dương, cách đường xích đạo chừng 40 km về phía nam.
Với diện tích chỉ khoảng 21 km2, Nauru hiện là đảo quốc nhỏ thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Vatican và Monaco. Hòn đảo được phân thành 14 quận. Theo số liệu tính đến năm 2021, quốc gia này có gần 11.000 người sinh sống.
Theo Pacifical, người Micronesia và Polynesia đã định cư ở Nauru từ ít nhất 3.000 năm trước. Nguồn gốc tên gọi của đất nước này có thể là từ "Anáoero" trong tiếng Nauru với ý nghĩa "Tôi đi tới bãi biển".
Khoảng năm 1830 trở đi, người Nauru liên lạc với người châu Âu thông qua các tàu đánh bắt cá voi. Những thương gia này đã cung cấp nhiều mặt hàng thiết yếu cho đảo gồm cả nước ngọt. Vào cuối thế kỷ 19, Nauru bị thôn tính và trở thành thuộc địa của Đức.
Sau thế chiến thứ nhất, nơi này thuộc quyền quản trị ủy thác của Australia, đồng quản trị là New Zealand và Vương quốc Anh. Đến năm 1966, Nauru giành quyền tự trị và trở thành quốc gia độc lập vào năm 1968.
Quốc gia này không có thủ đô chính thức. Một số nguồn tin cho rằng Yaren là thủ đô của đảo quốc này, nhưng điều đó không chính xác. Trên thực tế, hòn đảo không có thủ đô và cũng chẳng có bất kỳ thành phố nào. Yaren chỉ là một khu vực trên bờ biển phía nam của hòn đảo. Đây là nơi tập trung hầu hết các tòa nhà hành chính quan trọng, từ Tòa nhà Quốc hội cho tới sân bay quốc tế.
Do diện tích ở Nauru quá nhỏ nên đường băng sân bay gần như trải dài suốt cả hòn đảo. Đây cũng là một trong 16 quốc gia trên thế giới không có lực lượng vũ trang. Hiện Australia đang chịu trách nhiệm giữ an toàn cho đảo.
Khi mới thành lập, hòn đảo có trữ lượng lớn đá phosphate chất lượng cao hình thành từ phân chim biển tích tụ qua hàng nghìn năm. Những năm 1970 của thế kỷ trước, thông qua việc khai thác buôn bán phosphate giúp người dân ở đây có bình quân thu nhập cao nhất thế giới. Nhưng do việc khai thác quá mức khiến nguồn tài nguyên này cạn kiệt, đẩy tài chính đất nước lao dốc.
Hiện GDP của Nauru thấp thứ 2 thế giới, chỉ cao hơn Tuvalu. Nguồn thu chính của quốc gia này là xuất khẩu phân bón (phân từ gà và chim).
Link nội dung: https://chungkhoanthegioi.vn/nuoc-nao-khong-co-thu-do-a50347.html