Kinh tế số

Khảo sát nhân sự từ Anphabe 2022 cho thấy 14% nguồn nhân lực tri thức Việt Nam là lao động tự do toàn thời gian, 39% làm nhân sự bán thời gian. Như vậy, từ năm 2022, Việt Nam đã có tới 53% nguồn nhân lực tri thức đã tham gia vào nền kinh tế chia sẻ Gig economy (nền kinh tế có sự tham gia của lực lượng lao động tự do, làm nhiều việc linh hoạt và được chia sẻ trả phí bởi nhiều khách hàng).

Sự phát triển nhanh chóng của Internet tại Việt Nam đã mở ra cơ hội để người lao động tự do dễ dàng kết nối với các nhà tuyển dụng quốc tế. Những người mong muốn tìm kiếm một công việc thoải mái không gian, tự do thời gian… thậm chí đạt thu nhập cao, hiện chọn làm việc từ xa cho khách hàng nước ngoài thông qua các nền tảng tìm việc quốc tế như Upwork hay Fiverr, thay vì ứng tuyển vào các công ty nội địa.

LÀM VIỆC TẠI NHÀ, KIẾM TIỀN ĐÔ

Cách đây 4 năm, thời điểm cả thế giới bắt đầu chống chọi với Covid-19, khi hầu hết công việc đều bị trì trệ, những nội dung chứng thực về thành công của làm việc từ xa trên các nền tảng tìm việc nước ngoài bỗng nhiên phổ biến trên mạng xã hội Việt Nam, nhất là trên TikTok.

Khi đó, các nhà sáng tạo nội dung tiên phong chia sẻ chủ đề này có thể kể đến Minhxinchao (565 nghìn người theo dõi) và LyDaPotato (419 nghìn người theo dõi). Không chỉ “khoe” mức thu nhập đáng mơ ước, họ còn hướng dẫn mọi người tăng thu nhập trên các nền tảng việc làm quốc tế. Những nội dung này đã thành công thu hút hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn thậm chí cả triệu lượt xem trên mạng xã hội, trong đó có Trương Hà Phương.

Tài khoản TikTok Minxinchao (trái) và tài khoản TikTok LyDaPotato (phải).
Tài khoản TikTok Minxinchao (trái) và tài khoản TikTok LyDaPotato (phải).

Trao đổi với Hà Phương, cô cho biết mình đã làm việc trên nền tảng Upwork được 3 năm, sau khi được truyền cảm hứng kiếm tiền trên nền tảng này từ các video của nhà sáng tạo nội dung Minhxinchao trong Covid-19.

Phương chia sẻ những công việc được trả từ 10 USD/giờ (khoảng 250.000 đồng/giờ - mức lương làm việc 8 giờ của người Việt) trên Upwork không hề thiếu. Đến thời điểm hiện tại, Phương đã có thể tự chủ tài chính vì “cùng là một công việc nhưng làm cho các khách hàng nước ngoài thì thu nhập sẽ cao hơn bởi mình kiếm tiền đô nhưng chi tiêu bằng tiền Việt”.

Trương Hà Phương, sinh viên năm 3 Trường Đại học Ngoại thương Cơ sở II, nhà sáng tạo nội dung về chủ đề này trên TikTok với hơn 100.000 người theo dõi.
Trương Hà Phương, sinh viên năm 3 Trường Đại học Ngoại thương Cơ sở II, nhà sáng tạo nội dung về chủ đề này trên TikTok với hơn 100.000 người theo dõi.

Giống như Hà Phương, Hồng Phương cũng là nhà sáng tạo nội dung về chủ đề này với hơn 190 nghìn người theo trên nền tảng TikTok, cho biết từ năm 18 tuổi cô đã có thể kiếm được 15 triệu đồng nhờ làm việc chăm chỉ trên Upwork. Và bây giờ khi đang ở độ tuổi 20, con số này đã gấp hơn 6 lần. Theo báo cáo mức lương 2024 của Upwork, các vị trí trên nền tảng này trung bình được trả khoảng 50 USD/giờ. Trong đó, biên tập viên tự do được trả từ 25-35 USD cho mỗi giờ làm việc, với mức lương hàng năm khoảng 40.000 USD.

Mức lương theo giờ của một nhà thiết kế đồ họa là khoảng 40-45 USD, với thu nhập hàng năm khoảng 90.000 USD. Phiên dịch viên thường được trả khoảng 20-25 USD/giờ, với mức lương hàng năm khoảng 32.000 USD,…

Mức lương hậu hĩnh cùng thời gian làm việc linh hoạt dễ hiểu vì sao nhiều người trẻ, đặc biệt là Gen Z, thế hệ được đánh giá đa nhiệm, có vốn tiếng Anh tốt đang có xu hướng tiếp cận và theo đuổi loại hình làm việc này.

LÀM VIỆC TỪ XA CŨNG… CẠNH TRANH KHẮC NGHIỆT

Chia sẻ về hành trình bắt đầu làm việc trên Upwork, Trương Hà Phương cho biết để có được cơ hội đầu tiên cô đã mất đến 4 tháng chỉ chuyên tâm học tiếng Anh và tham gia các khóa học rèn luyện kỹ năng.

“Khát khao có việc làm lúc đó thôi thúc mình dồn hết tâm huyết để trau dồi bản thân và tìm kiếm khách hàng. Mình nhớ khi đó mỗi ngày đều đặn mình gửi hồ sơ cho 2 - 3 chỗ, liên tục trong vài tháng thì mình mới có được công việc đầu tiên”, Phương nói.

Mặc dù Upwork và Fiverr là 2 trong số các nền tảng việc làm trực tuyến lớn nhất thế giới, cung cấp nhiều cơ hội việc làm với mức lương hậu hĩnh, tuy nhiên mức độ cạnh tranh trên hai nền tảng này cũng cực kỳ khắc nghiệt, chưa kể đến người Việt thường gặp bất lợi so với các ứng viên khác vì rào cản ngôn ngữ.

Trương Hà Phương cho biết: “Do chưa nhận thức được chữ “cạnh tranh” ở các nền tảng này lớn như thế nào, thế nên nhiều bạn tham gia thị trường đã vỡ mộng vì mất rất nhiều thời gian nhưng vẫn không thể có cơ hội đầu tiên. Các bạn cũng cần xác định ban đầu mình nên chấp nhận làm các công việc không lương để nhận những đánh giá tốt của khách hàng. Từ đó, khách hàng sau có cơ sở đánh giá bạn để thuê bạn”.

Một kiểm duyệt viên của cộng đồng UPWORK Việt Nam với gần 40 nghìn thành viên trên Facebook: Kiếm job đầu tiên trên Upwork rất lâu, nếu may mắn thì một vài tuần, không thì một vài tháng, thậm chí cả năm.
Một kiểm duyệt viên của cộng đồng UPWORK Việt Nam với gần 40 nghìn thành viên trên Facebook: Kiếm job đầu tiên trên Upwork rất lâu, nếu may mắn thì một vài tuần, không thì một vài tháng, thậm chí cả năm.

Không chỉ có tính cạnh tranh cao, các nền tảng tìm việc quốc tế này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro lừa đảo, có nhiều trường hợp ứng viên đã bị lừa làm việc không công thậm chí mất tiền trong khi tìm kiếm cơ hội việc làm.

Cảnh báo về vấn đề này, Hồng Phương nhấn mạnh: “Nếu một công việc quá đơn giản nhưng mức lương quá cao đến vài nghìn đô thì các bạn nên xem xét, hoặc mới nhắn vài câu nhưng họ dụ sang một nền tảng khác như trên Telegram hay kể cả Whatsapp thì khả năng cao không đáng tin.

Ngoài ra, mọi người cũng lưu ý mặc dù Upwork cho phép nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên làm thử, nhưng hãy xem xét thật kỹ, còn tốt hơn hết mình chỉ nên làm việc khi cả hai bên đã ký hợp đồng”.

Link nội dung: https://chungkhoanthegioi.vn/lam-viec-online-cho-cong-ty-nuoc-ngoai-a49253.html