Hoa tam giác mạch ở Hà Giang
Hoa tam giác mạch có ý nghĩa gì? Nhắc tới hoa tam giác mạch chắc hẳn bạn sẽ nghĩ đến những bông hoa trắng hồng mọc bạt ngàn trong thung lũng. Nơi bạn có thể thoả sức tạo dáng chụp hình khi lên Hà Giang. Nhưng ngoài ra hoa tam giác mạch có ý nghĩa gì với đồng bào nơi đây thì bạn đã biết chưa? Hãy cùng Hà Giang Trẻ tìm hiểu nhé!
Tam giác mạch hay còn gọi là mạch ba góc, lúa mạch đen, sèo, kiều mạch là một loài cây thuộc họ rau răm được Conrad Moench mô tả khoa học lần đầu vào năm 1794. Tại Việt Nam, cây được trồng chủ yếu ở các vùng núi cao phía Bắc.
Hoa tam giác mạch có màu trắng hồng
Màu hoa tam giác mạch lúc mới nở chủ yếu là trắng, hồng phớt. Sau đó, khi nhiệt độ thấp hơn và không khí lạnh bao trùm, hoa sẽ có sắc chủ đạo là tím, hồng đậm. Hoa tam giác mạch đẹp nhất khi những cánh hoa chuyển sang màu tím hồng. Hoa nở thành chùm, cánh hoa chụm lại thành hình chóp nón, ở giữa là hạt mạch.
Cây được thuần hoá và được trồng lần đầu ở Đông Nam Á có thể khoảng 6000 năm trước Công Nguyên. Từ đó lan sang Trung Á và Tây Tạng. Sau đó đến châu Âu và Trung Đông.
Cây được trồng ở Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước châu u từ thế kỷ 15. Ở Việt Nam, loài này được trồng ở vùng núi cao phía bắc.
Là cây thân thảo hàng năm, có thể cao từ 0,4m tới 1,7m. Thân hình trụ, có thể phân nhánh, màu xanh hoặc đỏ. Phiến lá hình tim hoặc mũi giáo, mép lá nguyên. Lá mọc bên dưới thân thường có phiến hình tim, có cuống lá, bẹ lá. Lá mọc phía trên ngọn cây thường có hình mũi giáo và không có cuống.
Hoa chùm mọc ở đầu nhánh hoặc nách lá. Quả dạng quả bế có 2 lớp vỏ, hình dạng 3 cạnh, màu nâu đen hoặc xám. Hạt có nội nhũ bột. Mùa hoa từ tháng 6 đến tháng 10, mùa quả từ tháng 6 đến tháng 11, tại một số khu vực mùa hoa và quả có thể muộn hơn.
Thung lũng hoa tam giác mạch
Tam giác mạch có thể phân bổ ở độ cao lên tới 2,200m. Cây sinh trưởng tốt ở vùng khí hậu ẩm và mát với nhiệt độ 15-22 độ C.
Tại Việt Nam, hoa được trồng chủ yếu ở tỉnh Hà Giang. Ngoài ra, còn có một số nơi ở nước ta cùng trồng được loài cây này như Lào Cai (Si Ma Cai, Bắc Hà), Yên Bái (Khau Phạ, Mù Cang Chải), Sơn La (Vân Hồ, Mộc Châu), Lạng Sơn (Bắc Sơn),…
Theo truyền thuyết, có 2 nàng tiên tên là Tiên Ngô và Tiên Gạo đi khắp hạ giới để gieo hạt. Khi công việc được hoàn thành, hai nàng thấy mày ngô, mày trấu còn thừa thì bèn đổ xuống khe núi.
Ngô, lúa lớn lên cho hạt, bà con nô nức lấy về ăn. Nhưng dần dần ngô, lúa cạn kiệt mà mùa thu hoạch sau vẫn chưa tới, cái đói bao phù bản làng. Bà con chia nhau đi khắp nơi tìm cái ăn nhưng vẫn không thấy. Một hôm, thoảng bay trong gió mùi hương lạ. Mọi người cùng tìm đến khe núi thì thấy một rừng hoa li ti trải dài suốt từ núi bên này sang núi bên kia. Khi kết hạt mọi người đem về ăn thử thấy ngon không kém gì ngô, gạo.
Từ đó bản làng không còn cái đói nữa, khói bếp lại nghi ngút trên các mái nhà.
Vì cây được nảy lên từ mày lúa, mày ngô (theo như truyền thuyết) nên gọi là mạch, lá và quả có hình tam giác, có lẽ vậy mà tên “tam giác mạch” ra đời. Người Mông còn gọi Tam giác mạch là “chez”.
Đời sống bà con gắn liền với hoa tam giác mạch
Trong mắt du khách loài hoa này sẽ giúp cho những bức hình chụp lên được thơ mộng hơn. Nhưng sự thật là tam giác mạch còn có nhiều giá trị hơn thế nữa. Nếu tìm hiểu kỹ thì nó sẽ làm cho chúng ta phải bất ngờ đấy!
Thân cây tam giác mạch khi còn non được người dân hái về và chế biến thành món luộc ăn. Một số nhà hàng ở Phố cổ Đồng Văn cùng dùng ngọn non cho vào món lẩu. Rau tam giác mạch có vị hơi ngai ngái, nhưng ăn xong thì lại ngọt và thơm.
Hạt tam giác mạch được hái về rồi đem phơi khô và xay nhỏ thành bột. Từ đây những người phụ nữ sẽ chế biến thành một món bánh màu nâu đặc trưng. Bánh tam giác mạch bùi béo, dẻo thơm sẽ làm thòm thèm bất cứ ai thưởng thức nó. Để rồi ăn một lại muốn ăn hai.
Ngoài làm bánh, hạt tam giác mạch còn được xay ra để nấu cháo. Vào những ngày đông giá lạnh, ăn một bát cháo tam giác mạch nóng hổi như được nếm trọn tiết trời vùng cao.
Đem rang hạt tam giác mạch trên bếp lửa hồng. Món này rất được người trẻ ưa thích vì vừa có thể ngồi kể chuyện cùng bạn bè vừa nhấm nháp vui miệng.
Rượu tam giác mạch không phải được nấu hoàn toàn từ hạt tam giác mạch mà còn được trộn với ngô theo tỉ lệ 1:2. Sau đó mang chúng đi ủ với một loại men đặc biệt rồi đem nấu để tạo ra rượu. Rượu uống êm, không cay nồng như rượu gạo, là đầu câu chuyện của chủ nhà với những khách phương xa.
Hoa tam giác mạch mang nhiều công dụng
Ngoài là thực phẩm cho con người thì tam giác mạch còn được dùng làm thức ăn cho gia súc đặc biệt trong những ngày đông khan hiếm nguồn cỏ tươi.
Lá và thân cây tam giác mạch nếu được sắc lên sẽ trở thành vị thuốc chữa bệnh đường tiêu hóa như đi ngoài, đầy bụng, viêm, đau dạ dày,…
Nếu xay mịn hạt tam giác mạch rồi trộn với sữa chua hoặc sữa tươi không đường thành một hỗn hợp sền sệt, sau đó bôi một lớp mỏng lên mặt trong khoảng 15 phút và rửa sạch. Sử dụng thường xuyên sẽ giúp cho làn da sáng lên trông thấy.
Tuy là một loài hoa nhỏ bé nhưng hoa tam giác mạch có những câu chuyển tuyệt vời để kể. Trước kia, cây chủ yểu được trồng để làm lương thực dự trứ chống đói cho đồng bào vào mùa giáp hạt. Giờ đây nhờ sự phát triển của du lịch mà loài hoa này đã được coi trọng hơn. Bởi vậy, đừng quên ghé thăm Hà Giang để mang về cho mình những bức ảnh đẹp và những trải nghiệm đáng nhớ cùng hoa tam giác mạch nhé!
Hà Giang Trẻ luôn tổ chức các chương trình tour khởi hành hằng ngày kết hợp ngắm hoa tam giác mạch vùng cao nguyên đá. Bạn có thể tham khảo tại đây hoặc liên hệ trực tiếp với chúng mình qua Fanpage bạn nhé!
Link nội dung: https://chungkhoanthegioi.vn/hoa-tuc-mach-a49219.html