Móng tay tiết lộ nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe của con người. Khi móng tay có những biểu hiện bất thường thì cần phải đặc biệt chú ý. Nhận thức về sức khỏe của móng tay có thể cho bạn một cảnh báo sớm về một vấn đề nghiêm trọng cần sự chú ý của cơ thể.
1. Những biểu hiện bất thường của móng tay
Dù khó tin nhưng móng tay có thể tiết lộ nhiều thứ hơn mọi người thường nghĩ về nó. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có rất nhiều vấn đề sức khỏe xảy ra trong cơ thể con người ảnh hưởng đến cả móng tay. Trong quá trình phát triển y học từ xưa đến nay, các danh y đã xem xét móng tay để chẩn đoán bệnh tật trong cơ thể. Khi khỏe mạnh, móng tay có màu hồng nhạt, phần bán nguyệt gần gốc móng tay màu trắng, bề mặt nhẵn mịn, không có gờ, rãnh hay sự thay đổi màu sắc bất thường.
Nhận thức về các biểu hiện khác thường của móng tay rất quan trọng. Đó có thể là cảnh báo sớm về các vấn đề sức khỏe xảy ra trong cơ thể, thậm chí trong nhiều trường hợp sự thay đổi của móng tay còn giúp giữ lại mạng sống con người giữa lằn ranh sinh tử.
2. Đoán bệnh qua móng tay
Có rất nhiều những biểu hiện khác thường của móng tay là dấu hiệu cảnh báo về tình trạng sức khỏe của các bộ phận trong cơ thể. Dưới đây là một số bệnh có thể đoán định liên quan đến tình trạng của các móng tay:
Móng tay nhợt nhạt: Móng tay và móng chân nhợt nhạt là dấu hiệu phổ biến của quá trình lão hóa. Trong một cuộc khảo sát đối với những người trên 60 tuổi có đến gần 3⁄4 số người xuất hiện tình trạng móng tay hoặc móng chân nhợt nhạt và xỉn màu. Tuy nhiên đó cũng có thể là biểu hiện của những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng khác
Móng tay trắng: Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng móng tay trắng một phần hoặc toàn bộ, bao gồm cả những chấn thương gặp phải. Trong trường hợp móng tay bỗng đổi thành cùng một màu trắng khác thường, đó là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng liên quan đến sự thay đổi của các tĩnh mạch bên dưới móng tay. Đó có thể là triệu chứng của một số bệnh nghiêm trọng như: Bệnh xơ gan, suy thận mạn tính, suy tim...Tuy nhiên móng tay trắng cũng có thể là dấu hiệu của quá trình lão hóa hoặc một đặc điểm của di truyền chứ không phải một dấu hiệu nghiêm trọng nào đó của sức khỏe.
Móng tay vàng: Móng tay có thể chuyển sang màu vàng vì nhiều lý do. Nguyên nhân phổ biến nhất là tình trạng nấm móng, tiếp theo là việc hút quá nhiều thuốc lá. Tuy nhiên móng tay vàng cũng có thể là biểu hiện của bệnh vẩy nến, các vấn đề về tuyến giáp hoặc bệnh đái tháo đường. Một số ít trường hợp, hội chứng móng tay vàng còn được gặp ở những bệnh nhân mắc viêm phổi và phù bạch huyết. Tuy nhiên không phải tất cả những người mắc bệnh trên đều gặp phải tình trạng vàng móng.
Móng tay màu xanh: Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, thường là do lớp da dưới móng thiếu sắc tố hoặc bị tổn thương trong những trường hợp sau:
Ngộ độc bạc: Tình trạng này xảy ra ở những người thường xuyên tiếp xúc với bạc mà không đeo găng tay bảo hộ khiến lớp da dưới móng mất đi sắc tố.
Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc có thể khiến lớp da dưới móng chuyển màu xanh như thuốc chống sốt rét, thuốc chống rối loạn tâm thần và một số loại thuốc dùng để điều chỉnh nhịp tim. Đôi khi móng tay xanh còn là kết quả của thuốc điều trị bệnh hồng ban
Yếu tố nghề nghiệp: Acid oxalic, chất tẩy rửa kim loại, tẩy sơn, công nghiệp sản xuất mực và thuốc nhuộm cũng có thể khiến móng tay của những người công nhân chuyển sang màu xanh
Nhiễm HIV/AIDS: Những người nhiễm HIV có thể mắc hội chứng móng tay xanh qua 2 cách. Đầu tiên, nhiễm trùng chính là yếu tố gây ra sự khác biệt này. Thứ hai, một số loại thuốc kháng virus được sử dụng trong điều trị HIV/AIDS cũng có thể khiến móng tay người bệnh đổi màu xanh.
Móng tay gợn sóng: Đây là dấu hiệu điển hình của việc mắc vảy nến hay tình trạng viêm da, có thể là viêm da dị ứng, viêm da kích ứng hoặc viêm da tiếp xúc ở đầu các ngón tay.
Tách hoặc nứt móng tay: Tình trạng này xảy ra phổ biến ở người cao tuổi. Những nguyên nhân dẫn đến tách, nứt móng tay vẫn chưa được tìm hiểu một cách cụ thể. Đôi khi tách, nứt móng tay có thể gặp ở những người suy dinh dưỡng hoặc thiếu năng lượng trường diễn hay ở cả những người đang sử dụng một số loại thuốc điều trị các bệnh khác. Móng có thể nứt theo chiều ngang, khoa học gọi hiện tượng này là onychoschizia hoặc chiều dọc với tên gọi là onychorrhexis. Việc điều trị tách nứt móng rất khó khăn và phức tạp. Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa tình trạng này bằng cách bổ sung các loại vitamin, đặc biệt là biotin, acid amin và một số loại khoáng chất như đồng, sắt hay kẽm....
Viêm da quanh móng: Là tình trạng nhiễm trùng khu vực da xung quanh móng tay do vi khuẩn, nấm hoặc virus. Viêm da quanh móng có thể là cấp hoặc mạn tính gây ra những kích ứng về mặt hóa học cho móng tay. Nguyên nhân của tình trạng này là do thường xuyên ngâm tay trong các loại nước rửa chén, bát hay hóa chất để xử lý thực phẩm mà không có găng tay bảo hộ. Bên cạnh đó những người mắc đái tháo đường hay những người đang điều trị HIV/AIDS cũng có thể gặp phải vấn đề này. Phương pháp phòng ngừa tốt nhất viêm da quanh móng chính là hạn chế tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ nêu trên hoặc trong trường hợp bắt buộc cần đeo găng tay để tránh sự tiếp xúc trực tiếp. Trong trường hợp tình trạng viêm đã xảy ra, các chuyên gia da liễu khuyên dùng các loại thuốc hoặc kem chứa steroid sử dụng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Đường tối màu bên dưới móng tay: Một số lý do khiến móng tay xuất hiện một số vệt nâu hoặc đen kéo dài từ lớp biểu bì đến đầu móng tay. Thông thường đây không phải là biểu hiện của vấn đề sức khỏe nào nghiêm trọng nhưng để đề phòng trong nhiều trường hợp được yêu cầu sinh thiết da nhằm loại trừ khả năng mắc ung thư da.
Cắn móng tay: Khoa học đã chứng minh đây là thói quen nhằm giảm căng thẳng gặp phải ở cả người lớn và trẻ em. Cắn móng tay có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, bao gồm: Giúp các loại vi khuẩn, ký sinh trùng xâm nhập vào đường tiêu hóa, đau và rối loạn chức năng của hàm, nhiễm nấm móng. Cắn móng tay là thói quen xấu tuy nhiên bỏ được chúng không hề dễ dàng. Điều này đòi hỏi sự hợp tác đến từ phía người bệnh nhằm thực hiện quá trình thay đổi, loại bỏ hành vi xấu.
Đốm trắng trên móng tay: Tình trạng này xảy ra phổ biến và thường không phải là biểu hiện của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào đó. Phần lớn trường hợp là do gặp phải một chấn thương nhẹ vùng móng tay và sẽ hết khi móng tay mọc dài ra. Đôi khi, những đốm trắng trên móng tay cũng xuất hiện do di truyền.
Ngón tay hình dùi trống: Nhìn chung đây không phải là triệu chứng hay biểu hiện một bệnh lý nghiêm trọng nào của cơ thể. Tuy nhiên trong một số trường hợp, chúng đi kèm với các bệnh tim mạch, ung thư phổi hay xơ gan. Chưa có nghiên cứu nào chứng minh các bệnh trên có liên quan đến hội chứng ngón tay dùi trống.
Hội chứng móng tay xanh: Nguyên nhân phổ biến của tình trạng này là nhiễm trùng do vi khuẩn khi tay phải thường xuyên tiếp xúc với nước. Hội chứng móng tay xanh cũng có thể xuất hiện ở những công nhân tiếp xúc trực tiếp với nhựa trong quá trình sản xuất các thiết bị điện tử mà không được trang bị găng tay bảo hộ.
Móng tay là một phần trong cấu trúc của cơ thể. Những thay đổi của móng tay đôi khi là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng đang xảy ra. Hầu hết các dấu hiệu bất thường của móng tay sẽ biến mất theo thời gian vậy nên hãy cố gắng không bỏ qua các “dữ kiện” mà móng tay đang cố cung cấp cho bạn. Nếu xuất hiện tình trạng đổi màu, nứt gãy, viêm móng... hãy nhanh chóng tìm đến các bác sĩ, chuyên gia để được tư vấn, khám và phát hiện sớm để hạn chế nguy cơ mắc phải các bệnh nguy hiểm.