Cách đây mấy tháng, trong một câu chuyện, vị luật sư khoe sách của mình đã bán được mấy ngàn cuốn, và một tác giả khác bán được trên một vạn cuốn (giá mỗi cuốn gần 200 nghìn đồng). Tôi cho như vậy là một thành công, bởi người Việt chưa đầy trăm triệu và tiếng Việt trên thế giới quá ít người sử dụng (dịch ra tiếng Anh để có đông đảo người đọc lại là một chuyện rất khác rồi).
Nghe xong, vị luật sư bảo, vậy là tôi chưa biết đến sách của Nam Nguyễn: "Đông Âu anh hùng truyện". Người mua phải đăng ký trước và khá lâu mới có sách, giá một bộ 3 cuốn là 10 triệu đồng. Tác giả chỉ bán sách qua trang Facebook cá nhân, không giới thiệu ra mắt sách ở đâu. Người mua phần lớn ở độ tuổi 35 đến 45. Sách viết về "những con người thật, sự việc thật, họ là những "anh hùng" từ Đông Âu về nước, đã và đang thành danh; cùng những câu chuyện liên quan đến các thương vụ đình đám, hay quá trình hình thành các doanh nghiệp đình đám…".
Nhưng, người chưa ở Đông Âu mua nhiều hơn người đã từng sống bên đó, người Nam mua nhiều hơn người Bắc, phụ nữ mua nhiều hơn đàn ông. Sách dày đặc thông tin, có thể đọc bất kỳ từ trang nào, từ nhân vật nào. Nhiều người đọc đi đọc lại. Giọng văn không giống bất kỳ ai, không văn vẻ gì hết, cứ tự nhiên như đời sống, sinh động như “văn” phây búc, người đọc hiểu chuyện một cách trực tiếp (direct) nhất, xen vào đó là những ngôn từ hóm hỉnh mà không tục tĩu… Tác giả của bộ sách là Nam Nguyễn, anh có khuyến cáo rằng, nếu đã mua sách, đọc không thích, có quyền trả lại. Sách bị in lậu rất nhiều, nhưng tác giả cũng sẵn sáng mua lại cả sách in lậu đúng giá, nếu người bán muốn mua sách thật (orginal).
Nghe người luật sư ấy nói, tôi nghĩ ngay đến quảng cáo. Anh luật sư này đang quảng cáo cho Nam Nguyễn. Nhưng chỉ sau một phút, anh luật sư mở trang Facebook của Nam Nguyễn cho tôi xem. Tôi nhìn thấy một hóa đơn ngân hàng trả tiền đấu giá thành công bộ sách đó - 69 triệu. Dĩ nhiên, chuyện mua hàng đấu giá đôi khi đã nâng giá trị hàng hóa lên quá mức giá trị thật của nó và ngược lại. Nhưng không thể phủ nhận 3 cuốn sách Đông Âu anh hùng truyện (ĐÂ AHT) là cuốn sách bán chạy với giá cao nhất của năm vừa rồi. Sách không chỉ bán ở Việt Nam mà rất nhiều quốc gia khác như Đức, Nga, Anh, Úc, Tiệp, Mỹ, Ba Lan, Hàn Quốc, Phần Lan… Có lẽ, cứ ở đâu có người Việt tha hương thì ở đó bộ sách này là bạn của họ, sẻ chia và đồng cảm với họ nhiều nhất.
Ngạc nhiên và tò mò khiến tôi phải tìm hiểu sự thật. Vẫn biết rằng, để có thể viết một bộ sách mấy chục vạn chữ, mỗi con chữ có khả năng để người ta mua và đọc và nhớ và có thể thay đổi cuộc đời mình thì tác giả của nó - ngoài tài viết, còn buộc phải đi qua cuộc đời này bằng con đường nào, trải nghiệm những gì, chạm cửa tử thần bao nhiêu lần - vậy thì giá trăm triệu chẳng phải là đắt. Bằng chứng là các tác giả văn học thế giới họ rất giàu có, nhưng vì họ viết bằng thứ ngôn ngữ có cả tỷ bạn đọc; còn tiếng Việt và người đọc Việt thì con số quá ư là nhỏ. Nhà văn Việt cự phách về xuất bản đến đâu vẫn thường rất nghèo…
ĐÂ AHT, như tên gọi của nó, viết về vùng đất và những con người Việt Nam đã từng sống ở đó. Những cái chết cận kề trong các cuộc thanh toán, những bài học đau thương khủng khiếp, mồ hôi và nước mắt, bầm dập và mất mát, sợ hãi và nợ nần… Những người hùng hôm nay được tung hô, được nhiều người nể trọng và sợ hãi đó, cũng đã từng trốn học, buôn lậu, giả mạo giấy tờ, mua chuộc và hối lộ công quyền, chơi bời phá phách, tranh giành ảnh hưởng… ở bên trời Âu đó như thế nào. Nhưng, họ đã vượt qua tất cả những điều đó như bước qua những thử thách tất yếu, họ vươn tới cái mục đích mà họ tự đặt ra bằng một sự kiên cường chính họ cũng ngạc nhiên. Có lẽ tác giả của Đông Âu anh hùng truyện, người chứng kiến tận mắt những nhân vật của mình cũng đôi khi tự hỏi, tại sao người Việt mình, từng người một thì giỏi thế, thông minh thế ở xứ người mà khi về quê hương bản xứ lại…
Trong ĐÂ AHT có những câu chuyện của thế giới mafia, lời nói của kẻ cướp có trọng lượng hơn một lời hứa của chính khách. Một dòng ghi trong cuốn sổ nợ có giá trị hơn một khế ước ngân hàng. Người vay cứ thử trốn nợ xem, chuyện gì sẽ xảy ra…
Tóm lại, sách viết về những câu chuyện xảy ra bên trời Tây ai ở đó cũng biết, nhưng chưa ai viết đủ “chân tơ kẽ tóc” một cách khái quát nhất và sinh động nhất, trong đó có những nhân vật có thật chứ không hư cấu, dù không đủ tên nhưng ai-là-ai thì ai cũng biết cả.
Thủ pháp này, nhiều người cũng đã dùng, nhưng sao ĐÂ AHT lại khác biệt, lại được người đọc đón nhận đến vậy?
Theo tôi, có thể có những lý do sau đây:
1. Tác giả là một người không đứng trong những hội đoàn đã không còn nhiều uy tín.
2. Tác giả không viết những gì anh không biết.
3. Tác giả sử dụng ngôn ngữ của đời sống thường nhật, sống động, có khả năng chuyển tải nội dung ngắn gọn nhất, không bắt người đọc phải đi vòng bằng những từ ngữ "thừa".
4. Cách bán hàng chưa từng có: Hiểu người mua, chỉ bán cho người muốn mua. Bán cái người mua cần, không bán cái người bán có. Sẵn lòng mua lại cái người mua không hài lòng, dù người mua đã hưởng giá trị hàng hóa (đọc xong rồi). Nghĩa là, tác giả tự tin cao độ vào giá trị hàng hóa của mình.
Ngoài ra, tác giả còn nhận tiền cọc trước khi viết. Viết xong, nếu người đặt cọc không vừa ý sẽ trả lại cọc (và tin rằng nếu còn cuốn nào chưa bán thì sẽ bán được cao hơn giá cũ).
5. Sách không mang nhãn mác một đơn vị xuất bản nào, để đảm bảo nó không bị chỉnh sửa hay cắt xén.
Vừa mới đây thôi, Nam Nguyễn lại mở cuộc đấu giá một giỏ quà xuân, giỏ quà bao gồm bộ sách trên của tác giả, và thêm những cuốn khác viết về những người trong dòng họ của anh như ông Nguyễn Xiển, bà Nguyễn Thúy An, bà Việt Hương… Giá chót được gõ búa cho một độc giả là 30 triệu.
Nghe nói, Nam Nguyễn lại áp dụng phương cách trên đây cho bộ sách có tựa đề là X.
Quả là một điều khó tin, nhưng mà có thật.
Ít khi xuất hiện ngoài đời cũng như trên Facebook, nhưng hơn ngàn bài viết trong 7 năm qua - với mục đích chia sẻ kiến thức - của Nam Nguyễn, đã đón nhận được cảm tình rất lớn của cộng đồng mạng. Cũng trên Facebook, Nam Nguyễn còn có một thử nghiệm, có lẽ chưa từng có ở Việt Nam: trả tiền để được đọc… trang của anh. Bạn đọc vào nhóm, trả một khoản tiền cọc tượng trưng, khi nào không còn muốn đọc những gì Nam Nguyễn viết ở đó nữa thì sẽ được hoàn trả lại tiền cọc. Thiết nghĩ, việc này rất áp lực cho người viết. Viết không hay, không thỏa mãn người đọc không chỉ phải trả lại tiền mà còn dễ bị chán ghét. Nhưng áp lực cũng là động lực tạo ra thành tựu.
Người biết Nam Nguyễn kể rằng, tác giả từ một "tay chơi" (play boy) đi qua cuộc đời bằng tất cả cung bậc sang hèn của tay buôn bán trời Âu, để rồi tìm đến Phật pháp, trở thành Phật tử với pháp hiệu Trí Minh. Nam Nguyễn thì nói rằng, viết là một thôi thúc, sách in ra có thể bán, có thể tặng, nhưng đã bán thì bán đúng với giá trị của nó. (Và tiền bán được anh dùng vào việc thiện nguyện).
Về tác giả
Trần Thị Trường (sinh năm 1950) là một nhà văn hiện đại tiêu biểu của Việt Nam. Bà được biết đến là một trong những người say mê viết về thân phận phụ nữ. Các câu chuyện, truyện ngắn và tiểu thuyết của nữ nhà văn thường được lấy cảm hứng từ thực tế cuộc sống cũng như trải nghiệm từ các chuyến đi nhiều nước trên thế giới.
Ngoài ra, bà còn là một họa sĩ với nhiều tác phẩm và triển lãm tranh được công chúng đón nhận, yêu thích.
Link nội dung: https://chungkhoanthegioi.vn/dong-au-anh-hung-truyen-a48559.html