“3 tính từ miêu tả bản thân bạn là gì?” là câu hỏi phỏng vấn cực kỳ phổ biến và thường khiến các ứng viên sợ hãi. Không chỉ khó để nói về bản thân trong vỏn vẹn 3 từ mà còn khó để nói theo cách vừa khiêm tốn vừa ấn tượng!
Nếu khó quá thì mình bỏ qua đi, dù gì thì ứng viên cũng có thể từ chối trả lời nhà tuyển dụng được cơ mà?! Thế nhưng, càng khó thì càng cần phải trả lời. Nếu có thể đưa ra câu trả lời “chất như nước cất”, bạn sẽ để lại cho người phỏng vấn ấn tượng đầu tiên tuyệt vời.
Vậy, đứng trước câu hỏi này, bạn cần trả lời thế nào để không hạ thấp giá trị bản thân cũng chẳng trở thành kẻ kiêu ngạo? Đừng lo lắng, những chia sẻ của chị Trinh Phạm, Chuyên viên tuyển dụng sau đây sẽ giúp bạn giải bài toán khó này.
“3 tính từ miêu tả bản thân bạn là gì?” và cách trả lời chinh phục nhà tuyển dụng
Chị Trinh Phạm chia sẻ: “Để trả lời câu hỏi về 3 tính từ miêu tả bản thân, điều đầu tiên chúng ta cần là biết người và biết mình. Biết người ở đây là chân dung ứng viên mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm và biết mình là xem bản thân có gì. Chỉ khi các phẩm chất đó vừa là thế mạnh của bạn vừa là nhu cầu của nhà tuyển dụng thì câu trả lời mới thực sự có giá trị và giúp bạn trở nên nổi bật.
Thử nghĩ xem, nếu công việc yêu cầu nhân sự không ngừng tìm tòi những ý tưởng mới lạ, độc đáo nhưng bạn lại trả lời rằng mình là người nghiêm ngặt tuân thủ các nguyên tắc, giỏi làm việc theo quy trình sẵn có; khi công việc cần sự nhanh nhạy, cạnh tranh thì bạn nói rằng mình cầu toàn, thích an yên thì có phải là chúng ta không thuộc về nhau rồi không?”.
Nói như vậy không có nghĩa là nên gò ép bản thân trở thành ứng viên phù hợp. Chị Trinh Phạm giải thích: “Có nhiều người nghĩ rằng mọi thứ đều có thể học hỏi, cứ vào làm trước rồi tính sau. Nhưng có rất nhiều việc bản thân bạn không thể thay đổi hoặc cần rất nhiều thời gian mới có thể đạt được những chuyển biến nhất định, đặc biệt là những gì thuộc về phạm trù tính cách. Đừng quên, tính cách là bẩm sinh, là do bản thân trải qua rất nhiều năm tháng tích lũy mà thành và tính cách này thể hiện rất rõ trong quan điểm, cách tư duy cũng như cách làm việc của bạn. Do đó, rất khó để bạn cải biến nó trong một sớm một chiều. Ví như người hướng nội đâu thể sống và làm việc như một người hướng ngoại được đâu?!”
“3 tính từ miêu tả bản thân có thể tiết lộ rất nhiều điều về tính cách, phong cách làm việc và các ưu tiên của bạn, vì vậy điều quan trọng là phải chuẩn bị trước câu trả lời của bạn”
“Sau khi đã xác định được chân dung ứng viên cũng như xác định được công việc có thực sự phù hợp với tính cách và những tố chất vốn có của bản thân hay không, chúng ta sẽ bắt đầu chuyển sang bước kế tiếp: chọn lọc 3 tính từ miêu tả bản thân “đắt” nhất, sát với tiêu chí của nhà tuyển dụng nhất”, chị Trinh Phạm tiếp tục câu chuyện.
Chị gợi ý: “Theo kinh nghiệm của mình, các phẩm chất đó thường tập trung vào 3 yếu tố: tính cách, phong cách làm việc và cách bạn hợp tác với người khác”.
Ví dụ về tính cách, bạn nghĩ mình (hay được nhận xét) là người “sáng tạo”, “có óc tổ chức”, “ham học hỏi”, “tử tế”, “nhiệt tình”, “có khả năng tổ chức”, “lạc quan”…?
Nói về phong cách làm việc, các tính từ phổ biến thường là “tận tụy”, “chăm chỉ”, “chủ động”, “đáng tin cậy”, “chú ý đến chi tiết”, “linh hoạt”, “độc lập”…
Và về cách làm việc với mọi người, chúng ta sẽ có các từ phổ biến như “hợp tác”, “tôn trọng”, “kiên nhẫn”, “quyết đoán”, “hài hước”, “hòa đồng”…
Tùy theo từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thể mà bạn sẽ chọn những đặc điểm mà bạn nghĩ là quan trọng nhất đối với nhà tuyển dụng và điều bạn thực sự giỏi.
Những ai đã có kinh nghiệm đi phỏng vấn chắc chắn sẽ biết chỉ liệt kê trơ trọi 3 tính từ thì khó lòng khiến nhà tuyển dụng “xao xuyến”. Chị Trinh Phạm cho rằng nên giải thích ý nghĩa của những từ bạn đã chọn, tầm quan trọng và chúng có thể mang lại lợi ích thế nào cho công ty. Chẳng ai mà không hài lòng khi ứng viên nói rằng:
“Em là người tiết kiệm, hợp tác và trung thành. Tiết kiệm có nghĩa là em sẽ luôn tìm cách để công ty tiết kiệm được chi phí. Hợp tác là em sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp và chia sẻ kiến thức với mọi người. Cuối cùng, trung thành có nghĩa là công ty có thể tin tưởng em là người quảng bá tích cực cho thương hiệu và em sẽ tiếp tục làm việc ở đây trong nhiều năm tới.”
“Điều mà mình muốn các bạn lưu ý một chút là không nên dùng các từ ngữ quá cao siêu như “đầy tham vọng”, “đam mê”… Đơn giản dễ hiểu, dễ hình dung dễ tạo cảm tình hơn. Ứng phó với thử thách này bằng sự chân thực và hiểu mình hiểu người là đủ để thỏa lòng mong đợi của người phỏng vấn”, chị Trinh không ngần ngại tiết lộ.
“3 tính từ miêu tả bản thân bạn là gì?” nghe thì dễ dàng đấy nhưng để đưa ra đáp án thuyết phục chính là một cuộc đấu trí cam go. Nên nhớ, mọi câu hỏi mà nhà tuyển dụng đưa ra, mọi đáp án mà bạn cung cấp trong buổi phỏng vấn đều góp phần quyết định bạn có trúng tuyển hay không. Vậy nên hãy chuẩn bị hành trang vững vàng nhất có thể trước khi chính thức “xung trận” và sẵn sàng ghi điểm tuyệt đối trước nhà tuyển dụng nhé!
Trang Đoàn
Link nội dung: https://chungkhoanthegioi.vn/mieu-ta-ban-than-bang-3-tu-a48347.html