Rằm tháng Giêng (hay tết Nguyên tiêu) là một ngày lễ quan trọng theo quan niệm của người Việt.
Nguồn gốc của ngày này có nhiều giải thích khác nhau trong dân gian. Có truyền thuyết cho rằng, tết Nguyên tiêu bắt nguồn từ việc đồng áng trong dân gian.
Sau ngày tết Nguyên tiêu hàng năm, công việc cày bừa của vụ chiêm sẽ bắt đầu. Bà con nông dân ở các nơi đều khẩn trương chuẩn bị cho công việc đồng áng. Trước khi xuống đồng, họ làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Trong khi đó, TS. Trần Long - Giảng viên khoa Văn hóa học, trường Đại học KH XH-NV (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, tết Nguyên tiêu ở Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc. Người Việt cúng Rằm tháng Giêng vào ngày 15/1 âm lịch trùng ngày tết Nguyên tiêu của Trung Quốc.
Theo ông Long, hiện có nhiều tài liệu và câu chuyện viết về nguồn gốc tết Nguyên tiêu được lưu truyền. Nhưng ông cho rằng, câu chuyện được kể và lưu truyền nhiều nhất về ngày này là chuyện con thiên nga của thiên đình bay xuống hạ giới bị thợ săn bắn chết. Nghe tin, Ngọc Hoàng nổi giận, sai quân đến ngày Rằm tháng Giêng phóng hỏa, thiêu trụi mọi thứ ở trần gian.
May có một vị thần thiên triều thương dân, xuống hạ giới chỉ cách để dân thoát nạn. Vị quan này hướng dẫn các nhà treo đèn lồng màu đỏ trước cửa nhà. Ngọc Hoàng trên trời nhìn xuống thấy màu đỏ tưởng hạ giới bị phóng hỏa. Vì vậy tại Trung Quốc, vào ngày này, người ta hay treo đèn lồng đỏ ở cửa để tỏ lòng cảm ơn vị qua thiên triều.
Ngoài ra còn một tích khác kể rằng vua Hán Văn lên ngôi vào đúng ngày tết Nguyên tiêu nên hằng năm cứ đến ngày này, vua lại ra ngoài chung vui với dân.
Chữ đêm (dạ) trong cổ ngữ Trung Hoa được đọc là “tiêu”, đây còn là đêm rằm đầu tiên của năm nên vua Hán Văn gọi ngày này là ngày tết Nguyên tiêu.
Tết Nguyên tiêu nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới, “nguyên” nghĩa là thứ nhất, “tiêu” nghĩa là đêm. Tết Nguyên tiêu là một ngày lễ quan trọng trong phong tục tập quán của người theo đạo Phật. Vì vậy mới có câu nói "cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng".
Vào ngày này, mỗi gia đình thường chuẩn bị mâm cỗ cúng thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, ông bà, cầu năm mới phát tài phát lộc, khỏe mạnh.
Vào dịp lễ ngày 14 và 15 âm lịch, người dân cũng thường đi chùa lễ Phật, làm việc thiện, phóng sinh... để cầu mong bình an, phúc lộc.
Rằm tháng Giêng 2024 sẽ rơi vào thứ Ba, ngày 24/2/2024 Dương dịch. Theo quan niệm, việc cúng Rằm vào ngày 14, 15 Âm lịch đều hợp lý. Quan niệm về ngày giờ cúng tết Nguyên tiêu vốn là quan niệm cởi mở. Quan trọng nhất vẫn là người cúng thành tâm, lòng thành.
Tùy từng điều kiện gia đình, công việc mà có thể cúng Rằm sớm hơn. Gia đình bận rộn, không sắp xếp được công việc để cúng vào chính ngọ ngày 15/1 âm lịch thì có thể cúng trước đó 1 ngày, tức 14 tháng Giêng. Thời gian cúng có thể là từ sáng sớm ngày 14/ đến trước 19h ngày 15.
Tuy nhiên, nghi lễ cúng Rằm tháng Giêng 2024 nên tiến hành vào giờ Ngọ (11 - 13h) là tốt nhất. Bởi người xưa quan niệm, cúng vào ngày chính Rằm, giờ Ngọ là khung giờ thần Phật giáng thế, sẽ chứng nghiệm cho lòng thành của gia chủ.
1. Giờ đẹp cúng vào ngày 14 tháng Giêng, tức ngày 23/2 Dương lịch:
- Giáp Thìn (7h-9h)
- Bính Ngọ (11h-13h)
- Đinh Mùi (13h-15h)
- Canh Tuất (19h-21h)
2. Giờ đẹp cúng vào ngày chính rằm tháng Giêng, tức ngày 24/2 Dương lịch:
- Ất Mão (5h-7h)
- Mậu Ngọ (11h-13h) - đẹp nhất
- Canh Thân (15h-17h)
- Tân Dậu (17h-19h)
Link nội dung: https://chungkhoanthegioi.vn/cung-ram-ngay-14-co-duoc-khong-a46437.html