BSCKII. Vũ Hải Toàn: Chữ “duyên” khi đến với công tác Đoàn để lan toả sứ mệnh tuổi trẻ ngành Y

“Khi vừa tốt nghiệp Đại học Y, tôi không nghĩ sẽ trở thành một bác sĩ chuyên ngành Huyết học. Nhưng cuộc sống đem tới cho tôi những cái “duyên” may mắn để tôi được dấn thân, làm việc bằng cả đam mê và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ… tham gia công tác Đoàn là một trong những mối duyên đó”.

BSCKII. Vũ Hải Toàn, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chia sẻ: “Tôi may mắn được tham gia vào Ban chấp hành Đoàn Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương hai nhiệm kỳ. Tuổi trẻ của tôi may mắn được sống và cống hiến trọn vẹn trong môi trường đó”.

“Ngay từ những buổi đầu tham gia hoạt động Đoàn, được giao lưu, học hỏi các thành viên Ban chấp hành và các anh chị cán bộ đoàn đi trước, tôi đã có những trải nghiệm rất khác biệt. Đặc biệt, một trong số đó là sự nhiệt huyết trong mọi công việc mà không hề nghĩ sẽ tư lợi được gì.

Cũng chính hoạt động Đoàn đã làm cho tâm hồn những người trẻ như chúng tôi phong phú hơn, được yêu thương nhiều hơn. Chúng tôi cũng có những cơ hội để đi đến những nơi khó khăn, tham gia khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho bà con những vùng khó khăn.

Sau những chuyến đi, những trải nghiệm vô cùng ý nghĩa đó, khi quay trở lại cuộc sống và công việc thường ngày tôi lại thấy mình cần phải có trách nhiệm, ý thức hơn. Trên hết, tôi luôn cảm thấy may mắn hơn rất nhiều người khác bởi được đi, được cống hiến và làm nhiều điều ý nghĩa cho cuộc sống.

Với tôi, công tác Đoàn đã định hướng cho bác sĩ trẻ tuổi ngay từ những ngày đầu tiên vào công tác tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Trong suốt quá trình công tác, công tác Đoàn đã tạo động lực để tôi làm việc và cống hiến sức trẻ đầy nhiệt huyết”.

Với bác sĩ Vũ Hải Toàn, công tác Đoàn đã định hướng cho bác sĩ trẻ tuổi ngay từ những ngày đầu tiên vào công tác tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Trong suốt quá trình công tác Đoàn đã tạo động lực cho những người như bác sĩ Toàn làm việc và cống hiến sức trẻ đầy nhiệt huyết.

Đặc thù ngành Y là trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và công tác Đoàn đã tạo cho những người trẻ tuổi như bác sĩ Toàn thêm điều may mắn là có cơ hội được dùng chính kiến thức được đào tạo để giúp ích người dân, được cống hiến. Người dân đó không chỉ là những người bệnh đến với Viện mà còn ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, khó tiếp cận y tế. Công tác Đoàn kết nối giúp những người như bác sĩ Toàn chủ động đến với bà con.

“Khi đến những nơi khó khăn, được khám bệnh và chia sẻ với người dân, bản thân được thấy niềm vui của bà con khi được tiếp xúc, thụ hưởng những điều kiện cơ bản tối thiểu về chăm sóc sức khỏe ban đầu. Có bấy nhiêu thôi, nhưng với họ cũng vô cùng đáng quý.

Đôi khi chúng ta chỉ mang đến với bà con những điều đơn giản nhất như: Tư vấn sức khỏe, phát những viên thuốc thông dụng nhất. Được nhìn thấy nụ cười vô tư trên môi của bà con, bản thân mình cảm thấy hạnh phúc và ấm lòng vô cùng. Đó cũng là may mắn của tuổi trẻ của ngành Y”, bác sỹ Toàn chia sẻ.

Năm 2021, trong thời điểm dịch căng thẳng nhất, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương TS.Bạch Quốc Khánh đã cử BSCKII. Vũ Hải Toàn làm Trưởng đoàn công tác số 2 của Viện tham gia hỗ trợ chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM).

Trách nhiệm và lương tâm của một cán bộ ngành y đã thôi thúc BS. Toàn cùng nhiều cán bộ trẻ của Viện sẵn sàng ghi tên để được vào miền Nam hỗ trợ đồng nghiệp, đồng bào chống dịch. Với anh lúc đó đơn giản là phải làm tròn bổn phận và sứ mệnh của một người làm công tác y tế, cứu người.

Các cán bộ của Viện được phân công vào Bệnh viên hồi sức COVID-19, đây là nơi điều trị các bệnh nhân nặng và có nguy cơ tử vong cao.

Công việc vất vả, luôn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm COVID-19, tuy nhiên anh em trong đoàn công tác chủ yếu vẫn là những đoàn viên trẻ của Viện, rất nhiệt tình, không ngại khó trong cả chuyên môn lẫn cuộc sống hàng ngày. Đó là điều làm cho mỗi đoàn viên thanh niên của Viện vô cùng tự hào khi cùng tuổi trẻ cả nước tham gia hỗ trợ các tỉnh phía Nam.

Bác sỹ Toàn kể: “Gần 2 tháng chống dịch tại TP HCM với những trải nghiệm không phải ai cũng có được. Chúng tôi gọi đó là “may mắn” trong cuộc đời làm y tế. Đặc biệt là khi chứng kiến những sự ra đi, mất mát của những người bệnh trẻ tuổi, mới thấm cuộc sống này vô cùng mong manh. Từ đó chúng tôi càng biết ơn và trân trọng cuộc sống, trân trọng những khoảnh khắc được sống, được thở, được giao tiếp một cách bình thường. Chuyến chi viện ấy tạo cho những người trẻ tuổi như chúng tôi động lực sống có trách nhiệm hơn, yêu thương hơn và mong muốn được cống hiến nhiều hơn cho người bệnh, cho cộng đồng”.

Khi tình hình dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp và lây lan nhanh trong cộng đồng, lượng bệnh nhân mắc các bệnh lý huyết học bị nhiễm COVID-19 tăng cao, được sự đồng ý từ Bộ Y tế, Ban lãnh đạo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương quyết định thành lập Đơn vị điều trị COVID-19 tại Viện.

Với những kinh nghiệm có được khi tham gia hỗ trợ chống dịch tại TP HCM, BSCKII. Vũ Hải Toàn được giao phụ trách, xây dựng một đơn vị đúng tiêu chuẩn để tổ chức cách ly và điều trị COVID-19.

Công việc chủ yếu là tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân mắc bệnh lý huyết học nhiễm COVID-19 mức độ nhẹ, trung bình. Trong trường hợp các Trung tâm hồi sức quá tải, không tiếp nhận ngay được bệnh nhân nặng, đơn vị này sẽ chủ động điều trị.

Trung tâm Thalassemia của Viện - nơi BSCKII. Vũ Hải Toàn đang đảm nhiệm vai trò là Phó Giám đốc Trung tâm, là đơn vị tiếp nhận điều trị, tư vấn cho bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Đây là một bệnh lý di truyền phổ biến tại Việt Nam với tỷ lệ mang gene cao, (ước tính có 12 triệu người mang gene bệnh).

Bệnh chưa thể điều trị khỏi hoàn toàn. Các phương pháp hiện tại là điều trị duy trì để người bệnh có được sức khỏe tốt nhất và người bệnh phải truyền máu suốt đời tại bệnh viện và các cơ sở y tế. Bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người bệnh, tạo gánh nặng kinh tế cho gia đình và áp lực lớn lên hệ thống y tế. Là một bệnh lý di truyền, bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được, điều này đặc biệt quan trọng đối với nhóm người trẻ tuổi có dự định kết hôn, sinh con. Thực tế, đại đa số các cặp vợ chồng sinh ra con mắc bệnh Tan máu bẩm sinh vì họ không được tiếp cận với thông tin. Thông tin về bệnh không đến được với họ, do đó không biết các biện pháp phòng bệnh.

“Tôi nghĩ đó là một trong những hoạt động ý nghĩa nếu như các tổ chức đoàn thanh niên lồng ghép để tuyên truyền kiến thức về thalassemia cho người dân. Trước tiên, chúng ta tuyên truyền cho gia đình, anh chị em ruột, người trong dòng họ và lan tỏa ra khu dân cư nơi mình sinh sống. Mỗi người dân làm một hành động nhỏ như vậy thôi nhưng nó sẽ có tác dụng lan toả rất lớn, góp phần vào công cuộc phòng chống thalassemia tại Việt Nam.

Người mang gen thalassemia là người hoàn toàn khoẻ mạnh, chỉ phát hiện được bằng các xét nghiệm sàng lọc. Nếu một bạn trẻ chưa kết hôn, có mang gene thalassemia thì nên đi xét nghiệm trước hôn nhân. Lời khuyên y khoa là chúng ta cố gắng xây dựng gia đình với người không mang gen bệnh là tốt nhất”, bác sỹ Toàn cho biết.

Trong trường hợp 2 người mang gene thalassemia kết hôn thì xác suất sinh con bị bệnh ở mỗi lần sinh là 25%, vì vậy sẽ phải sàng lọc trước sinh để không sinh ra con bị bệnh Tan máu bẩm sinh.

“Tôi hy vọng mỗi bạn trẻ, mỗi đoàn viên thanh niên là 1 nhân tố tích cực tuyên truyền phòng chống thalassemia vì một Việt Nam khoẻ mạnh”, bác sĩ Vũ Hải Toàn chia sẻ.

Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương lần thứ V, nhiệm kỳ 2022 -2027 sẽ được tổ chức vào ngày 30/3/2022. Đây là đợt sinh hoạt chính trị lớn, sự kiện đặc biệt của tuổi trẻ Viện chào mừng 91 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2022).

Vương Tuấn Thiết kế ảnh: Công Thắng

Link nội dung: https://chungkhoanthegioi.vn/bac-si-vu-hai-a45608.html