Tỉa chân nhang, xê dịch bát hương lâu nay vẫn là nỗi trăn trở của nhiều gia chủ, bởi nỗi sợ bị phạm vào phần tâm linh, ông bà quở trách, làm ăn thất bát,...
Tuy nhiên, quý vị không nên quá lo lắng. Bài viết này sẽ đưa ra cách tỉa chân nhang đơn giản mà gia chủ vẫn được nhiều may mắn, phúc lộc, mọi việc suôn sẻ,... trong năm mới.
Quý vị có thể lau sạch bát hương, rút chân nhang mỗi ngày. Đối với những gia đình không có nhiều thời gian rút tỉa chân nhang hàng ngày, chúng ta có thể tỉa chân nhang vào ngày nào, giờ nào cũng được.
Khi tỉa chân nhang, bao sái ban thờ, quý vị làm với tâm ý dọn nơi thờ tự cho được sạch sẽ, để khi dâng đồ cúng được thanh tịnh. Như vậy sẽ được phúc mà không lo bị phạm.
Bước 1: Trước khi thắp nhang, quý vị chắp tay bạch theo văn khấn xin tỉa chân nhang như sau: “Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni (hoặc Nam mô A Di Đà Phật), con xin phép được bao sái bát hương ạ”. Bước 2: Sau đó, chúng ta nhổ chân nhang cũ đi và thắp nén nhang mới vào.
Gia đình anh Bùi Quốc Việt và chị Đỗ Thị Thanh Hà, hiện đang kinh doanh bất động sản tại Hải Dương đã thực hành theo cách tỉa chân nhang kể trên nhiều năm nay, chia sẻ:
“Trước đây, gia đình tôi cứ đến 23 tháng Chạp mới rút tỉa chân nhang. Bát hương đậu tàn um tùm nên lúc nào trông ban thờ cũng u tối, bụi bặm. Làm ăn thì thất bát, con cái cãi bố mẹ, mọi việc cũng không được như ý muốn.
Tuy nhiên, từ khi tỉa chân nhang theo hướng dẫn trên, ai đến nhà chơi cũng khen ban thờ sạch sẽ, sáng sủa. Khi làm lễ, tôi cũng thấy thoải mái, cảm giác cầu khấn được thành tâm, dễ được linh ứng hơn mà không lo sợ bị phạm như trước nữa. Đặc biệt, việc kinh doanh của 2 vợ chồng đã phát triển tốt hơn. Các con ngoan ngoãn, nghe lời. Các việc trong gia đình cũng được suôn sẻ, thuận lợi hơn trước.
Xem thêm: Rút chân nhang như thế nào cho đúng
Chị Vũ Thị Kim Oanh - Giám đốc công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại in Tâm Bình (Hà Nội) cũng từng lo sợ bị phạm vào phần tâm linh nếu động chạm vào bát hương, tỉa chân nhang. Thế nhưng, nỗi sợ ấy đã không còn khi thực hành theo cách tỉa chân nhang trong bài viết này.
“Trước đây, bát hương với gia đình tôi là vật hầu như bất di bất dịch, cả nhà lúc nào cũng lo nếu không cẩn thận sẽ bị các cụ quở trách, ảnh hưởng đến gia đình, nhất là việc kinh doanh.
Thế nhưng, khi học Phật rồi, tôi biết rằng tâm cung kính của gia chủ, nơi thờ cúng được sạch sẽ, tôn nghiêm mới là quan trọng. Gia đình tôi sửa soạn ban thờ, rút tỉa chân nhang thường xuyên hơn. Tôi nghĩ cũng giống như việc mình dọn dẹp nhà cửa mình được gọn gàng, sạch sẽ vậy.
Từ đó tới nay, mọi việc của gia đình tôi vẫn hanh thông thuận lợi, làm ăn tấn tới,... mà không phải băn khoăn việc tỉa chân nhang trước hay sau khi cúng Ông Công Ông Táo nữa” - Chị Oanh chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc bao sái bát hương, lau dọn bàn thờ, tỉa chân nhang thường xuyên cũng thuộc một trong các nội dung khuyến cáo của phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy & cứu hộ cứu nạn để tránh xảy ra hỏa hoạn tại các hộ gia đình. Trong đó, nêu rõ: “Bàn thờ nên gọn gàng, đơn giản. Tỉa chân hương, nhang thường xuyên, tránh để dày đặc (trước khi tỉa làm thủ tục báo cáo thần linh, gia tiên)”.
Từ những lý do trên, quý vị có thể yên tâm thực hành rút tỉa chân nhang mà không lo bị “phạm”, gia đình vẫn êm ấm và được nhiều may mắn, tài lộc.
Chúng ta có thể chỉ để lại 3 chân nhang trên bát nhang và tỉa sạch các chân nhang còn lại. Tuy nhiên cũng tùy vào thời gian của mỗi gia đình, chúng ta có thể để 4 - 5 ngày mới rút chân nhang, dọn dẹp ban thờ một lần.Ví dụ: Hôm nay thắp 3 nén nhang thì sẽ rút luôn 3 chân nhang của ngày hôm trước. Trên bát nhang chỉ luôn có 3 chân nhang. Như vậy, ban thờ sẽ được sạch sẽ thường xuyên.
Bởi lẽ, phần chúng ta muốn dâng cúng là phần hương thơm của nén hương, không phải phần chân hương. Chúng ta có phước hay không là do nhân quả trong suy nghĩ, lời nói và hành động. Khi chúng ta dâng cúng bằng đức sạch sẽ thì chúng ta có được tâm thanh tịnh, trong sáng hơn. Vì chúng ta muốn dâng cúng tất cả những hương thơm lên tới chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thánh Tăng và lên tới chư Thiên, chư Thần, Hộ Pháp cũng như các hương linh. Cho nên, đức sạch sẽ rất là quan trọng.
Khi bao sái bát hương, quý vị có thể nhấc bát hương ra để bao sái sạch sẽ, sau đó đặt lại vào vị trí cũ. Chúng ta có thể dịch bát nhang lên trên, xuống dưới - tùy theo đồ cúng nhiều hay ít. Việc đó không ảnh hưởng tới phước báo hay gây thêm tội cho chúng ta.
Theo quan niệm dân gian từ thời xa xưa, chúng ta thường bị hù dọa rằng, động bát hương thì gia đình sẽ xảy ra chuyện nhưng sự thật không phải như vậy. Quý vị có thể thoải mái sửa soạn, bao sái, dịch chuyển bát nhang để ban thờ thật sạch sẽ và trang nghiêm. Các vật thực dâng cúng cũng tùy ý theo số lượng.
-Trên đây là cách tỉa chân nhang theo quan điểm Phật giáo, được rất nhiều người áp dụng thành công và hiệu quả, được tổng hợp từ chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến (Pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán) - Chủ nhiệm CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa chùa Ba Vàng.
Mong rằng, quý vị sẽ duy trì việc bao sái bát hương, tỉa chân nhang hàng ngày với tâm thanh tịnh, trong sáng để nơi thờ tự luôn được sạch sẽ, trang nghiêm. Từ đó, gia đình sẽ được nhiều phước báu, tài lộc và may mắn trong cuộc sống.
Các bài nên xem:
Link nội dung: https://chungkhoanthegioi.vn/cach-tia-chan-nhang-cuoi-nam-a37294.html