Sắn là loại củ có vị ngọt bùi, chứa nhiều tinh bột có thể dùng để chế biến món ăn mang những hương vị đặc trưng riêng. Nổi tiếng trong số đó phải kể đến bánh sắn Phú Thọ.
Thoạt nhìn, bánh sắn Phú Thọ có hình thức bên ngoài không mấy hấp dẫn. Bánh khá nhỏ, chừng ba đầu ngón tay chụm lại và được bọc bởi lớp lá chuối mỏng, khi chín có màu đục, hơi trong. Tuy nhiên, khi ăn thử, thực khách sẽ thấy bất ngờ bởi độ dẻo dai của lớp vỏ bánh kết hợp vị bùi, béo ngậy từ phần nhân.
Bánh Sắn Phú Thọ không phải cao lương mỹ vị, không dành cho các dịp lễ đặc biệt mà chỉ là một món ăn hết sức bình dân, quê kiểng. Từ món “nhà nghèo”, ăn để chống đói với cách làm dân dã, bánh sắn Phú Thọ ngày nay được biến tấu thêm nhiều loại nhân khác nhau, trở thành đặc sản “hút” khách
Chọn củ sắn thuôn dài, phần thân to, khi cầm cảm thấy nặng tay sẽ ngon hơn nhiều. Cạo nhẹ phần vỏ mỏng phía ngoài sắn, nếu lớp vỏ phía trong màu hồng nhạt thì chọn, màu trắng thì nên bỏ qua. Không nên để sắn quá lâu vì sẽ làm củ bị sượng khô và không còn ngon nữa.
Nhào bột sắn bằng nước sôi. Đổ lượng bột đủ nhu cầu vào tô rồi rót nước đun sôi vào. Vừa rót nước vào vừa lấy đũa trộn bột lên. Nước cho lượng vừa phải. Sau đó dùng tay nhào trộn bột thật kỹ sao cho bột dẻo mịn là được. Chia bột bánh thành từng phần nhỏ, đủ cho mỗi chiếc bánh.
Lá chuối phải chọn loại lá bánh tẻ. Đem rửa sạch và cho vào nồi nước sôi trần qua cho lá mềm, đem hơ lửa cho mềm và dai để lúc gói bánh không bị rách. Xé lá thành từng phần nhỏ đủ cuốn vào chiếc bánh.
Phần nhân sử dụng các thành phần nguyên liệu gồm thịt lợn, mộc nhĩ, hành khô. Thịt chọn miếng có cả nạc cả mỡ, sơ chế sạch rồi băm nhỏ cùng mộc nhĩ. Phi thịt với mộc nhĩ và hành khô, nêm nếm gia vị vừa ăn.
Bánh được nặn thành hình bầu dục hoặc hơi dẹt, thon dài để đảm bảo chín đều, bột không bị sống. Bánh sắn gói xong được đem hấp cách thủy trong khoảng 35-40 phút. Khi bánh chín, lớp vỏ chuyển sang màu đục trong, hơi nâu, có thể xen lẫn màu xanh của lá chuối.
Thưởng thức bánh sắn Phú Thọ, bạn sẽ cảm nhận được hương vị dân dã của món bánh này. Khi ăn, bánh sắn có vị thơm của sắn lẫn vị bùi, béo của nhân đỗ xanh, hành, thịt băm tạo nên cảm giác vừa thanh vừa ngon. Nhất là khi ăn kèm với vừng lạc thì càng tăng nên độ ngon và bùi của món bánh này mang lại.
Thăm quan du lịch Phú Thọ Trải nghiệm tắm khoáng nóng Thanh Thuỷ
Link nội dung: https://chungkhoanthegioi.vn/cach-lam-banh-san-a35428.html