Như chúng ta đã biết, nhiếp ảnh là một bộ môn nằm trong ngôi nhà chung của nghệ thuật tạo hình. Vì vậy khi nghiên cứu, xem xét nhiếp ảnh, không nên đặt nhiếp ảnh nằm ngoài mối tương quan với nghệ thuật tạo hình mà đặc biệt là hội họa.
Mona Lisa - Họa sĩ:Leonardo da Vinci
Ngay từ thuở sơ khai của hội họa, chân dung là một thể loại được nhiều họa sĩ thể hiện. Và có thể kể đến một số bức chân dung nổi tiếng của các họa sĩ như sau: Robert Campin với tác phẩm: “Chân dung thiếu phụ”, Jan Van Eyck với chân dung đôi:“Vợ chồng Arnolfini”,Van Der Goes có: “Bức trang trí Sau bàn thờ Portinari”; Leonardo da Vinci với: “Sự tôn kính của các vua” và “Mona Lisa”; Raphael với: “Chân dung của Baldassare Castiglione”; Titian với “Bức chân dung nhà quý tộc Arti”; Holbein với: “Các sứ thần”; Rubens với: “Helena Fourment và các con” Anthony van Dyck với: “Charles I”; Rembrandt với: “Các viên chức”; Lucas Cranach với “chân dung quận chúa xứ Saxe”; Rubens có bức chân dung tập thể: “Deborah Kip, vợ của huân tước Balthasar và các con”; Rembrandt với: “Người đàn bà cầm chiếc lông đà điểu”; Vermeer với: “Chị bán sữa”; Frans Hals với: “Người cưỡi ngựa tươi cười”, William Hogarth với: “Các đứa trẻ Graham”; Thomas Gainsborough với: “Ông bà Andrews”; Allan Ramsay có: “Bà Allan Ramsay, nhũ danh của Margaret Lindsay”; Reynolds có: “Tiểu thư Caroline Howard”; Van Gogh có: “Chân dung tự họa”…
Vợ chồng Arnolfini,1434 - Họa sĩ: Jan Van Eyck
Những bức chân dung của các họa sĩ nói trên, có bức chân dung vẽ một người, có bức chân dung đôi, có bức chân dung tập thể. Có bức chân dung bán thân trong phòng, có bức chân dung cả người trong khung cảnh thiên nhiên... Tuy khác nhau về đối tượng, về không gian, về cách thể hiện nhưng những bức chân dung này đều mô tả hình dáng bên ngoài cũng như trạng thái tâm lý của nhân vật. Đặc biệt khi thể hiện tác phẩm, người họa sĩ và người mẫu như có sự giao thoa, vì vậy khi tiếp xúc với những tác phẩm này, người xem như được giao lưu, đối thoại với nhân vật trong tranh.
Các sứ thần (1533) - Họa sĩ: Holbein
Quay trở lại với Nhiếp ảnh, trong buổi tọa đàm về ảnh chân dung và liên hệ với cuộc thi và triển lãm ảnh “Chân dung con người Việt Nam hôm nay” do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức ngày 23 tháng 5 năm 2011, một số NSNA đã đưa ra quan niệm về ảnh chân dung như sau: “Chân: tức là chân thực, dung: là dung nhan”. Và có NSNA cho rằng nói đến ảnh chân dung là nói đến ảnh bán thân (tức chụp nửa người). Theo tôi điều đó đúng nhưng chưa đủ. Trong từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, “chân dung” (danh từ) được định nghĩa như sau: “tác phẩm (hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh) thể hiện đúng diện mạo, thần sắc, hình dáng một người nào đó”… Mà một bức ảnh thể hiện đúng diện mạo, thần sắc và hình dáng của một người tức nó đồng nghĩa với việc bức ảnh đó phải cho người xem biết rõ người trong ảnh là ai, ở đâu, làm gì, và như thế nào... Để trả lời những câu hỏi trên bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh thì người nghệ sĩ sẽ phải “vẽ bằng ánh sáng” trên những cỡ hình như: viễn cảnh, toàn cảnh, trung cảnh, cận cảnh hay đặc tả tùy vào mục đích và sự lựa chọn của mỗi người cầm máy... Nếu chụp bán thân mà thể hiện đúng diện mạo, thần sắc và hình dáng của một người nào đó thì người chụp có quyền lựa chọn bán thân. Nếu chụp nửa người mà chưa đủ để khắc họa chân dung người đó thì phải chụp cả người, thậm chí phải lấy cả bối cảnh xung quanh để làm nổi bật chân dung con người đó...
Helena Fourment và các con (1636 - 1637) - Họa sĩ:Rubens
Tuy nhiên, nghệ thuật nói chung và nghệ thuật nhiếp ảnh nói riêng nằm ngoài định nghĩa. Dù sao cũng có thể coi đây là cách định nghĩa hay nhất. Điều đó không đáng ngạc nhiên vì chúng ta đang sống trong một thế giới luôn luôn biến động. Không những khoa học không ngừng biến đổi hình thức bên ngoài của sự sống mà chúng ta còn khám phá ra những năng lực và những điều gì đó đang lay động tiềm thức của chúng ta. Tất cả những thứ mới lạ đó làm chúng ta bối rối nhưng hiển nhiên, nghệ thuật phải phản ánh những sự kiện đó… Quay trở lại với ảnh chân dung, không có một khái niệm nào chỉ rõ thế nào là ảnh chân dung và cũng không có công thức nào giúp người cầm máy thực hiện ảnh chân dung một cách tối ưu. Nhưng chúng ta vẫn thể hiện nó dựa trên những kinh nghiệm, những quan điểm được nhiều người đồng tình.
Khi chụp ảnh chân dung thì người cầm máy bắt buộc phải hiểu rõ mục đích của tấm ảnh chân dung mà mình chụp. Nếu chụp theo yêu cầu của người mẫu hoặc chụp với mục đích lưu niệm thì bức ảnh cần đẹp hơn chính họ trong đời thường. Còn nếu chụp theo ý đồ của người cầm máy hoặc với mục đích phục vụ nghệ thuật thì bức ảnh chân dung đó không nhất thiết phải diễn tả đúng diện mạo, thần sắc và hình dáng người đó theo nghĩa đen vì nghệ thuật cho phép người cầm máy cường điệu - hoặc là hời hợt, hoặc là sâu sắc hơn mức bình thường… Irvin Penn quan niệm ảnh chân dung là “một hình thức giải phẫu mà người cầm máy làm nhiệm vụ cắt một nhát dao vào đời sống của kẻ khác”…
Dựa trên những tài liệu về nhiếp ảnh, tạm chia ảnh chân dung thành các loại sau: Ảnh chân dung cá nhân; ảnh chân dung tập thể và ảnh chân dung sinh hoạt.
1. Ảnh chân dung cá nhân (gồm 2 loại): Ảnh chân dung dàn dựng và ảnh chân dung tự nhiên.
Ảnh chân dung dàn dựng: cho phép người chụp chủ động về kỹ thuật và thời gian trong phòng chụp hoặc ngoài trời. Để thành công với thể loại chân dung dàn dựng thì ngoài sự thành thạo về kỹ thuật và nhạy bén về thị giác, thì mối tương quan giữa người chụp và người được chụp là điều cốt yếu nhất. Khi đó hai con người phải cùng tham gia vào quá trình sáng tạo. Và những bức ảnh chân dung dàn dựng thành công là những bức ảnh trông không có vẻ gì là… dàn dựng.
Trong ảnh chân dung điểm nhấn quan trọng nhất vẫn là khuôn mặt nhưng nhấn mạnh điểm nào và giảm nhẹ điểm nào trên khuôn mặt lại là sự lựa chọn khó khăn. Tùy vào ý đồ của người cầm máy muốn làm đẹp cho chủ thể hay làm nổi bật cá tính của người mẫu. Trong ảnh chân dung không nhất thiết phải sử dụng những kỹ thuật phức tạp hay bố cục phá cách. Bản thân khuôn mặt con người vốn luôn hấp dẫn, nếu ta có thể “chộp” được một trạng thái thích hợp trên nét mặt cũng đủ giúp cho bức ảnh thành công. Nếu là chân dung toàn thân hoặc ¾ chiều cao, cần phải đặc biệt chú ý đến hai bàn tay vì trong cỡ hình này hình dáng và tư thế của hai bàn tay có thể cho biết nhiều điều về chủ thể, nhiều khi không kém gì gương mặt.
Ảnh chân dung tự nhiên: là thể loại hấp dẫn mọi đối tượng cầm máy từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp. Không cần phải bố trí, sắp đặt, nhưng thể loại ảnh chân dung này cũng đòi hỏi người cầm máy phải có nhiều kỹ năng không kém gì việc chụp chân dung trong phòng chụp. Người cầm máy phải luôn luôn nhạy bén để có thể bắt đứng được đối tượng cũng như một vẻ mặt độc đáo của chủ thểtrước khi các trạng thái đó biến mất.
Trong phòng chụp, hậu cảnh đóng vai trò thứ yếu, nhằm tôn người mẫu, còn trong đời thường, hậu cảnh lại đóng vai trò quan trọng và cho dù hậu cảnh có mờ nhòe đi cũng không thể tách rời chủ thể.
2. Ảnh chân dung tập thể: Ảnh chân dung tập thể cũng được chia thành hai loại như sau: ảnh chân dung tập thể dàn dựng và ảnh chân dung tập thể tự nhiên.
Khi chụp một bức ảnh chân dung tập thể dàn dựng, người cầm máy phải bố trí làm sao cho tập thể mẫu đó phải hấp dẫn. Thách thức không nhỏ đối với người cầm máy trong việc dàn dựng một bức ảnh chân dung tập thể là việc sắp xếp bố cục và xử lý ánh sáng. Đồng thời phải chớp được giây phút tập trung và biểu lộ trạng thái tình cảm tốt nhất của tất cả những người trong ảnh.
Ảnh chân dung tập thể tự nhiên: Nếu chụp ảnh chân dung tập thể yêu cầu người chụp phải có sự điêu luyện nhà nghề để thành công, thì ảnh chân dung tập thể tự nhiên không cần thiết điều đó vì ảnh chân dung tập thể tự nhiên là ghi lại những tư thế, những động tác bất chợt. Bí quyết để có một bức ảnh chân dung tập thể tự nhiên là càng đơn giản càng tốt.
3. Ảnh chân dung sinh hoạt: Các nhà nhiếp ảnh trong phòng chụp ngày xưa thường thường bố trí người mẫu trước một phông nền vẽ hình phong cảnh, nhằm làm nổi bật người mẫu hoặc giúp cho người xem ảnh biết thêm đôi điều về người trong ảnh… Tuy nhiên ngày nay với khuynh hướng trung thực đã thôi thúc người cầm máy săn lùng chủ thể trong môi trường sống thật. Một chị nông dân đang cấy lúa, một anh công nhân đang vận hành máy móc, một bà mẹ đang bế con trong lòng, hay một tập thể các em học sinh đang vui đùa… Những hành động của chủ thể trong môi trường thực còn giúp ta xác định được đôi chút về cá tính của nhân vật, điều này chỉ đôi khi mới lộ ra nhưng nếu nắm bắt được sẽ tạo nên bất ngờ cho thành công của bức ảnh.
Ảnh chân dung tự nhiên chụp con người đang tham dự vào công việc thường ngày của họ còn được gọi là ảnh đời thường và đây chính là cha đẻ của thể loại ảnh phóng sự.
Từ lý thuyết trên, liên hệ với Cuộc thi và triển lãm ảnh “Chân dung con người Việt Nam hôm nay” năm 2010, tôi thấy việc Hội đồng Giám khảo chấm chọn những bức ảnh đời thường, những bức ảnh chụp toàn thân hoặc chụp một nhóm người để trao giải và được treo triển lãm là có cơ sở lý luận. Và có lẽ BTC cuộc thi và triển lãm ảnh báo chí toàn quốc “Chân dung người lao động Việt Nam hôm nay” đã xây dựng thể lệ cuộc thi với chủ đề: “Phản ánh chân dung người lao động trong mọi mặt đời sống, lao động, sản xuất của nhân dân Việt Nam trên mọi miền tổ quốc, trên các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; phát hiện các tấm gương tốt, tiêu biểu của con người Việt Nam khắc phục khó khăn, vươn lên đóng góp nhiều cho sự phát triển và hội nhập của đất nước” cũng không nằm ngoài lý thuyết trên.
Trên đây chỉ là ý kiến chủ quan của cá nhân tôi, một người trẻ mới bước đầu tập làm quen với công việc khảo cứu nhiếp ảnh. Còn câu trả lời chính xác xin chờ những nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh. Những nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh ở đâu, xin hãy lên tiếng…
Tài liệu khảo cứu:
1. Nhiếp ảnh toàn thư từ máy ảnh đến hình ảnh (tác giả Trần Đức Tài)
2. Lịch sử Hội họa (Lê Thanh Lộc biên dịch theo Histoire de la Peinture của Soeur Wendy Beckett)
3. Từ điển Mỹ thuật Hội họa thế giới (chủ biên Tiệp Nhân - Vệ Hải; Trần Khiết Hùng, Nguyễn Hồng Trang dịch)
Link nội dung: https://chungkhoanthegioi.vn/anh-chan-dung-la-anh-gi-a33581.html