Chén&bát

Với một người miền Nam hay miền Bắc, lần đầu gặp nhau trên mâm cơm rất có thể có chút bối rối về tên gọi các vật dụng thân quen trong nhà. Cái chén ăn cơm của người miền Nam thì ngoài Bắc gọi là cái bát, còn cái bát ở quê tôi thường không ai dùng để ăn cơm...

Dĩ nhiên còn rất nhiều thứ nữa, ví như cái ly, cái tách, cái chén uống nước không phải lúc nào gọi cũng giống nhau. Chuyện tên gọi các vật dụng rồi dần sẽ quen, vả lại cũng chẳng quá phức tạp cho chuyện giao thoa văn hóa, nhất là trong việc thỏa mãn nhu cầu lớn nhất của con người là việc ăn và uống. Cùng với quá trình phát triển kinh tế, vật dụng dành cho việc ăn, uống ấy trong thời gian gần đây thay đổi đến kỳ diệu.

Là phụ nữ, chẳng ai không mê đắm trong lòng khi ngắm không gian bếp với những chén, bát, muỗng, thìa... vô cùng tinh tế, sang trọng được chủ nhân bày biện trong dịp tân gia. Thật lạ, nhìn những vật dụng ấy nó sướng còn hơn cả ăn.

Với tôi cũng vậy, thích nhìn những chén&bát đến nao lòng, nhưng không phải là những tô, những đĩa sáng choang bày bán tại các cửa hàng sang trọng, mà là những chén&bát từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước hiện còn rải rác một số gia đình ở thành phố ven biển này. Có thể có nhà đủ bộ 6, 10 cái, nhưng cũng có nhà chỉ còn vài chiếc. Họ giữ những vật dụng ấy như một thứ cần phải giữ, họ chẳng cần bán, chẳng cần bày biện, nó âm thầm quanh quẫn như một lời nhắc về một thời bên cạnh chiến tranh ác liệt...

Mỗi khi cầm từng cái chén, cái bát nó không còn là đồ đựng thức ăn nữa, nó đã cháy lên trong tôi cái khát khao hoài niệm. (Ảnh minh họa) Mỗi khi cầm từng cái chén, cái bát nó không còn là đồ đựng thức ăn nữa, nó đã cháy lên trong tôi cái khát khao hoài niệm. (Ảnh minh họa)

Những năm gần đây, không hiểu sao tôi thích sưu tầm chén&bát của thời kỳ đó, có lẽ một phần do dễ tìm và hợp với khả năng tài chính của tôi chăng. Vui nhất là mỗi khi căng thẳng công việc, giữa trưa hè oi ả, mồ hôi nhễ nhại, chạy chiếc xe máy cũng vào loại ngũ tuần đến chợ trời Tăng Bạt Hổ, lượn mấy vòng quanh chợ, rồi sà vào mấy quầy đồ cũ, và cứ thế chọn cho mình những chén&bát ưng ý. Những ly, những chén màu trắng đục như sữa, viền xanh được vẽ đơn giãn, dưới đáy là những chữ và số về nguồn gốc và năm sản xuất. Từng năm, từng năm, có thể vài món từ một con hẻm bán đồ cũ ở TP. Hồ Chí Minh, hay trong một cửa hàng lưu niệm ở Pleiku, đến nay bộ sưu tập của tôi đã hơn hai trăm món chén&bát của thời kỳ ấy.

Mỗi khi rảnh, tôi lấy hết ra bày cả một góc nhà, xếp theo từng loại ra bàn. Tôi tự cho phép mình có được niềm vui ngắm nhìn nó trong chút kiêu hãnh của riêng mình. Tuổi của nó còn lâu mới gọi là đồ cổ, nhưng nó nhiều hơn tuổi của tôi nhiều lắm. Cái vững chãi, hơi thô kệch đã nhuộm chín bởi thời gian, đủ làm tôi mê mẩn. Và cứ thế, bộ sưu tập với cả tâm hồn tôi từng ngày thêm rộn rã. Mỗi khi cầm từng cái chén, bát ấy nó không còn là đồ đựng thức ăn nữa, nó đã cháy lên trong tôi cái khát khao hoài niệm. Quá khứ nhiều khi là một sự kêu gọi, thôi thúc cho một niềm vui, rất riêng và rất nhỏ, nhưng tha thiết vô cùng.

Tôi ước mơ có một ngôi nhà nhỏ, có khoảng vườn ngập tràn trong nắng, có vài khóm tường vi, nguyệt quế, có những chú cún con chạy ra cổng đón tôi mừng vui tin cậy... sẽ có những lần tự tôi đi chợ, nấu những món dân dã, đậm đà mời mấy người bạn thân thiết chia sẻ với tôi niềm vui toàn những chén&bát cũ kỹ tinh khôi. Trong những đồ dùng của ngày xưa ấy quây quần những món quê hiền lành thơm thảo, tôi mời bạn trong tràn đầy cảm xúc...

TRẦN THU THỦY

Link nội dung: https://chungkhoanthegioi.vn/bat-com-hay-bac-com-a33022.html