Như đã đề cập trong bài viết đòn bẩy thì chắc hẳn bạn đã nghe qua margin. Một cách hiểu đơn thuần thì margin là số tiền tối thiểu mà nhà đầu tư phải đặt cọc để mở một lệnh giao dịch trên thị trường. Giống như việc mình vay tiền của ngân hàng thì cần phải có một tài sản để thế chấp. Vậy rốt cuộc margin là gì? Hiểu như vậy có đúng hay không? Mối quan hệ của margin và đòn bẩy là như thế nào? Sử dụng đòn bẩy mà giá cả thị trường thay đổi theo chiều hướng xấu thì điều gì xảy ra? Bài viết này sẽ tiếp tục với những nội dung dưới đây.
Margin là gì trong forex
Là một khoản tiền ký quỹ mà sàn yêu cầu trader phải có để duy trì vị thế giao dịch khi sử dụng đòn bẩy, hiểu nôm na là tiền đặt cọc để thực hiện một lệnh có sử dụng đòn bẩy. Margin không phải một loại chi phí mà là hình thức dùng một phần vốn chủ sở hữu làm tiền ký quỹ.
Dựa vào khối lượng trader muốn giao dịch và mức đòn bẩy, trader sẽ biết được margin yêu cầu là bao nhiêu hay nói cách khác là biết được số vốn thấp nhất mình phải có để thực hiện được giao dịch đó.

Mối quan hệ giữa margin và đòn bẩy
Một điều không thể chối cãi được là margin và đòn bẩy có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với nhau, khi trader sử dụng mức đòn bẩy càng lớn thì margin càng nhỏ và ngược lại.
Ví dụ: Trader muốn giao dịch với khối lượng $100,000 nhưng tài khoản chỉ có $500.
+ Nếu chọn tỷ lệ đòn bẩy là 1:200 thì tỷ lệ margin sẽ là 0.5%, số tiền ký quỹ phải chịu là $500 vừa đủ với tài khoản.
+ Nhưng trader không muốn điều này vì thế chọn mức tỷ lệ đòn bẩy 1:2000 thì tỷ lệ margin là 0.05% suy ra số tiền ký quỹ phải chịu là: 0.05%* 100,000= $50.
Margin phụ thuộc vào tỷ lệ đòn bẩy, qua đó sẽ cho các bạn biết số tiền mà bạn phải đặt cọc bằng bao nhiêu % giá trị giao dịch để bạn mở lệnh, % đó được gọi là tỷ lệ margin hay tỷ lệ ký quỹ. Đòn bẩy càng cao thì tỷ lệ margin càng nhỏ và tương ứng với số tiền ký quỹ càng thấp. Bảng dưới đây thể hiện mối quan hệ giữa tỷ lệ đòn bẩy và tỷ lệ margin:
Tỷ lệ đòn bẩy | Tỷ lệ Margin |
1:1 | 100% |
1:2 | 50% |
1:100 | 1% |
1:200 | 0.5% |
1:500 | 0.2% |
1:1000 | 0.1% |
1:2000 | 0.05% |
Như vậy, bạn cần phải hiểu rõ mối quan hệ giữa 2 yếu tố này, để khi giao dịch sẽ lựa chọn được các chiến lược phù hợp với bản thân, đồng thời giảm thiểu rủi ro trong trường hợp xấu nhất.
Các thuật ngữ trong margin
Free Margin (dư ký quỹ)
Dư ký quỹ là sự chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu (equity) và số tiền ký quỹ đã sử dụng (used margin), nói đơn giản đó là số tiền còn dư sau khi mở lệnh.
Ký quỹ còn dư không bị ràng buộc bởi các lệnh đang mở và được phép sử dụng để mở lệnh giao dịch mới. Free margin càng nhiều thì khả năng mở thêm một lệnh mới càng lớn.

Nếu giao dịch thuận lợi, vốn tăng sẽ kéo dư ký quỹ tăng theo, như vậy trader sẽ có nhiều cơ hội giao dịch hơn.
Margin Level
Nghĩa là mức ký quỹ – là giá trị phần trăm (%) dựa trên số lượng vốn chủ sở hữu (equity) so với số tiền ký quỹ được sử dụng (used margin). Mức ký quỹ này được tính theo công thức:

Con số này đo lường mức độ rủi ro của giao dịch. Điều này phụ thuộc vào nguồn vốn sở hữu (equity) hiện tại của bạn. Những yếu tố này tác động qua lại lẫn nhau.
Các broker khác nhau sẽ quy định mức ký quỹ khác nhau, đa số giới hạn ở mức 100%, dựa vào mức ký quỹ mà các sàn giao dịch sẽ quyết định bạn có thể thực hiện thêm những lệnh mới hay không.
- Khi margin level tăng lên, đồng nghĩa với equity tăng lên, tài khoản của bạn nằm ở mức an toàn và có thể tiếp tục các giao dịch của mình. (> 100%)
- Khi margin level giảm xuống, nghĩa là equity đang bị gặm nhấm dần, tài khoản đang nằm mức báo động. Điều bạn cần làm lúc này là nạp thêm tiền vào tài khoản để tiếp tục giao dịch hoặc phải đóng các lệnh đang thua lỗ. (≤ 100%)
Trong trường hợp, margin level giảm xuống mạnh ảnh hưởng đến tài khoản của bạn nhưng lúc này bạn không chú ý đến các giao dịch đang chạy thì ở mỗi sàn sẽ báo động với trader bằng một lệnh cảnh báo được gọi là margin call.
=> Như vậy, nếu margin level giảm đến một giới hạn nào đó do sàn quy định thì margin call sẽ xuất hiện.
Margin Call?
Margin Call hay lệnh gọi ký quỹ là một thông báo, cảnh báo khi tiền ký quỹ đã giảm xuống mức tối thiểu do từng sàn quy định khác nhau, điều này đồng nghĩa với việc các lệnh đang mở đã đi ngược với kỳ vọng và trader đang bị thua lỗ.
VD: Tương tự như khi bạn vừa kết thúc một cuộc gọi điện thoại, mà tài khoản của bạn chỉ còn dưới 1000 VND, tổng đài sẽ gửi cho bạn một tin nhắn như một lời cảnh báo nhắc bạn nạp thêm tiền vào tài khoản để tiếp tục sử dụng dịch vụ. Thì trong forex, margin call cũng hoạt động tương tự như thế.
Làm thế nào để Margin Call không xuất hiện
- Hãy thường xuyên theo dõi tài khoản của mình hoặc có thể sử dụng lệnh cắt lỗ (stop loss) trên mỗi giao dịch để hạn chế tối đa rủi ro.
- Ngoài ra hãy chọn mức đòn bẩy phù hợp với khả năng và số vốn của mình, giao dịch với khối lượng vừa phải để tránh các biến động mạnh của thị trường “đi quá xa” với dự đoán của bạn.
- Đặt khối lượng giao dịch phù hợp, khối lượng giao dịch nhỏ thì margin sẽ càng thấp.
- Theo dõi tin tức thị trường kinh tế để đề phòng trường hợp khi thực hiện giao dịch ký quỹ, một tin tức được công bố khiến lệnh của bạn gặp phải trường hợp margin call.
Stop Out
Trường hợp trader sẽ không nhận được margin call, lý do vì số tiền gửi ký quỹ giảm quá nhanh vượt xuống mức tối thiểu sàn quy định, sàn có thể sẽ tự động đóng các lệnh bạn đang giao dịch. Lúc đó quá trình “stop out” bắt đầu diễn ra.

Ví dụ:
- Tiền trong tài khoản của trader đang có $1000
- Trader mở lệnh giao dịch trị giá $100
- Sàn quy định mức margin call 100%, stop out 30%
➝ Used margin = $100
➝ Equity lúc khớp lệnh vẫn là $1000
⇒ Margin level = (1000 / 100)*100% = 1000%
- Xu hướng thị trường đi ngược kỳ vọng, lệnh liên tục bị lỗ và giảm xuống 100% ⇒ lúc này margin call bắt đầu xuất hiện
- Nếu lệnh vẫn tiếp tục bị lỗ nhiều hơn làm mức ký quỹ giảm xuống 30% thì quá trình stop out sẽ diễn ra ⇒ lệnh của bạn bị đóng.
Lời kết
Các trader khi đã tham gia vào forex hầu hết đều sử dụng giao dịch ký quỹ để gia tăng lợi nhuận lên mức tối đa, nhưng tuyệt đối đừng quên những rủi ro có thể xảy đến bất ngờ. Đặc biệt cần phải chú ý đến các thuật ngữ liên quan đến margin, lập cho mình một kế hoạch quản lý tài khoản hợp lý. Khi margin call xuất hiện, điều trader nên làm là nạp thêm tiền vào tài khoản để duy trì vị thế đang mở, hoặc nhanh chóng đóng lệnh để cắt lỗ tránh tuyệt đối dẫn đến trường hợp cháy tài khoản. Qua bài viết này hy vọng bạn đã biết cần chú ý đến margin như thế nào rồi, hẹn gặp lại bạn ở bài viết tiếp theo nhé! Chúc các bạn thành công.