Trong 4 tháng trở lại đây, chị Hoàng Ngọc Quỳnh xuất hiện khối u kèm triệu chứng đau bụng dữ dội ở vết mổ đẻ cũ phía bên trái, nhất là mỗi khi đến chu kỳ kinh. Qua khai thác tiền sử được biết bệnh nhân đã từng mổ đẻ 2 lần, lần gần đây nhất vào năm 2019 tại một bệnh viện địa phương.
Sau khi thăm khám, siêu âm và làm các bước xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ Thu Cúc TCI phát hiện một khối lạc nội mạc tử cung hình thành tại vết mổ thành bụng cần phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ càng sớm càng tốt.
Kết quả xét nghiệm trước phẫu thuật của chị Quỳnh đều bình thường và được bác sĩ chỉ định tiêm thuốc Zoladex, nhằm mục đích kiểm soát tình trạng lạc nội mạc tử cung, làm giảm các triệu chứng đau, giảm số lượng và kích thước các sang thương nội mạc tử cung lạc chỗ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hà - Phó giám đốc kiêm Trưởng khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế (ĐKQT) Thu Cúc TCI đã chỉ định phẫu thuật bóc khối lạc nội mạc tử cung tại vết mổ thành bụng.
Với sự tỉ mỉ và tập trung cao độ, ê-kíp phẫu thuật của bác sĩ Hà đã nhanh chóng lấy toàn bộ khối lạc nội mạc tử cung có kích thước khoảng 10x21mm ở vết mổ, đồng thời hạn chế các tổn thương gây ảnh hưởng đến thành bụng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân phục hồi sức khỏe tốt, có thể vận động nhẹ và đã được xuất viện sau 4 ngày theo dõi.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hà cho biết: "Lạc nội mạc tử cung tại vết mổ thành bụng có thể hình thành sau một số cuộc phẫu thuật liên quan đến tử cung, mổ lấy thai, phẫu thuật cắt tử cung. Sau khi tiến hành các can thiệp, có một số tế bào nội mạc rơi vào vết mổ. Tại đây, những tế bào nội mạc này vẫn có thể phát triển và dày lên, vì vậy chúng gây ra những triệu chứng của lạc nội mạc tử cung, phẫu thuật tận gốc là một giải pháp hiệu quả nhằm giảm tỷ lệ tái phát".
Bệnh hiếm gặp nhưng chớ nên coi thường
Theo bác sĩ Hà, lạc nội mạc tử cung ở vết mổ thành bụng vẫn còn là chứng bệnh mới, ít người biết đến, ước đoán chỉ có khoảng 0,03 % - 1,7% chị em phụ nữ xuất hiện lạc nội mạc tử cung sau sinh mổ. Dù là một hiện tượng không phổ biến nhưng vẫn có thể gây ra những nguy hiểm cho người bệnh nếu không được chẩn đoán kịp thời.
Sự phát triển của những tế bào nội mạc này sẽ thúc đẩy quá trình tiết dịch nhờn và tạo môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn, virus gây viêm ở vị trí vết mổ, viêm phúc mạc, viêm dính trong ổ bụng… và ảnh hưởng lớn đến khả năng mang thai sau này.
Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra chứng lạc nội mạc tử cung trên vết mổ vẫn chưa được khẳng định. Tuy nhiên, bác sĩ Hà đã chỉ ra một số yếu tố hình thành gồm: sự tăng trưởng bất thường của các tế bào phôi lót vùng bụng và khung chậu; do quá trình viêm nhiễm niêm mạc tử cung sau sinh hoặc có thể do sự biến đổi của vòng tuần hoàn estrogen gây ra.
Theo các thống kê y học, đa số các trường hợp lạc nội mạc tử cung vết mổ đẻ có biểu hiện lâm sàng khá rõ ràng, thường kéo dài nhất là trong kỳ kinh nguyệt. Chỉ có khoảng 10% người bệnh không triệu chứng, một số dấu hiệu của lạc nội mạc tử cung vết mổ thành bụng thường gặp như: nổi cục ở thành vết mổ, đau bụng dưới mỗi chu kỳ kinh, xuất huyết.
Tuy nhiên, những biểu hiện trên cũng khá tương đồng với nhiều bệnh lý như lạc nội mạc tử cung trong cơ, viêm nhiễm vết mổ, hoặc rong kinh kéo dài, polyp tử cung,… Để nhận biết bệnh chính xác, tốt nhất chị em nên đến cơ sở y tế để được siêu âm, chẩn đoán một cách cụ thể nhất.