Lộ tuyến cổ tử cung là vấn đề khá thường gặp khi chị em đi khám Sản phụ khoa. Đây là tình trạng các tế bào tuyến ở bên trong cổ tử cung lan ra bên ngoài cổ tử cung. Lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng sinh lí thường gặp ở độ tuổi sinh sản và cơ thể có thể tự làm lành hay tái tạo.
Tuy nhiên, nếu lộ tuyến cổ tử cung có kèm theo tình trạng viêm nhiễm có thể do nấm, tạp khuẩn hay kí sinh trùng… thì lúc này sẽ được gọi là viêm lộ tuyến cổ tử cung. Khi ấy, vùng lộ tuyến cổ tử cung bị sưng đỏ.
Nguyên nhân gây viêm lộ tuyến cổ tử cung
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm lộ tuyến cổ tử cung, như:
- Vệ sinh vùng kín không sạch sẽ. Hoặc sạch sẽ quá mức, gây nên tình trạng mất cân bằng hệ vi khuẩn trong âm đạo.
- Quan hệ tình dục mạnh bạo.
- Mắc các bệnh lây lan qua đường tình dục.
- Can thiệp các thủ thuật ảnh hưởng tới cổ tử cung.
- Sảy thai, nạo hút thai.
3 cấp độ viêm lộ tuyến cổ tử cung - Ảnh: 24h
TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG CỦA TỔN THƯƠNG LỘ TUYẾN CỔ TỬ CUNG.
Các bạn sẽ thấy xuất hiện triệu chứng ra khí hư nhầy trong, số lượng có thể ít hoặc nhiều, tình trạng ra khí hư không liên quan tới chu kì kinh Nguyệt và không do viêm nhiễm.
Nếu tình trạng lộ tuyến có kèm theo viêm âm đạo cổ tử cung thì các bạn có thể thấy xuất hiện khí hư nhầy, vàng đục hoặc khí hư vón cục như bã đậu thường gặp do nấm, hoặc khí hư có bọt, có mùi hôi, tanh hay khí hư ra kèm theo ngứa rất nhiều. Các triệu chứng lúc này sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm là gì.
Tùy thuộc vào mức độ rộng của tổn thương mà lộ tuyến cổ tử cung được chia làm 3 cấp độ:
Độ 1: tổn thương lộ tuyến chiếm ⅓ diện tích cổ tử cung.
Độ 2: tổn thương lộ tuyến chiếm nhỏ hơn ⅔ diện tích cổ tử cung.
Độ 3: tổn thương lộ tuyến chiếm trên ⅔ diện tích cổ tử cung.
Biến chứng viêm lộ tuyến cổ tử cung
Đa số chị em phụ nữ bị viêm lộ tuyến cổ tử cung thường không có triệu chứng đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung…
Việc nhầm lẫn này đã khiến nhiều chị em chủ quan, không đi khám sớm, tự ý mua thuốc về đặt âm đạo hoặc uống mà không có sự tư vấn của bác sĩ. Việc điều trị không đúng thuốc đã khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn.
- Bản thân lộ tuyến là một tổn thương lành tính. Nhưng tình trạng viêm nhiễm tái đi tái lại nhiều lần cũng có thể gây ung thư cổ tử cung.
- Khi vùng lộ tuyến cổ tử cung bị viêm nhiễm, bệnh sẽ gây tình trạng khí hư ra nhiều, kinh nguyệt rối loạn, đau vùng xương chậu, đau bụng dưới…
- Viêm lộ tuyến cổ tử cung có thể gây vô sinh - hiếm muộn: Những phụ nữ bị viêm lộ tuyến thường có lượng dịch dính nhiều, nhầy làm cho tinh trùng khó vào bên trong. Vi khuẩn còn có khả năng làm tinh trùng chết, từ đó dễ dẫn tới nguy cơ hiếm muộn.
- Bệnh có thể gây tắc vòi trứng, viêm nội mạc tử cung, viêm tiểu khung. Những yếu tố đó sẽ cản trở quá trình thụ thai và mang thai.
- Ngoài ra, khi bị viêm lộ tuyến sẽ làm tăng sự phát triển của vi khuẩn, trùng roi, tạp khuẩn hoặc các tác nhân gây bệnh lây qua đường tình dục như Chlamydia, lậu, mụn rộp sinh dục...
Để tránh những biến chứng nguy hiểm từ bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung, chị em phụ nữ nên tiến hành thăm khám chuyên khoa Sản phụ khoa và kiểm tra sớm để có biện pháp xử lý kịp thời.
Cách chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung
Nếu phát hiện sớm, điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung không phức tạp.
- Thông thường, khi bị viêm lộ tuyến cổ tử cung, các bác sĩ chỉ định thuốc chống viêm tại chỗ để lộ tuyến hết viêm, đôi khi kết hợp cả thuốc uống nếu lộ tuyến bị nhiễm nấm hoặc các tác nhân lây qua đường tình dục khác.
- Sau khi điều trị hết viêm, các biện pháp như đốt điện, đông lạnh, lazer... sẽ được áp dụng để diệt lộ tuyến.
Nếu viêm ở mức độ nhẹ (độ 1), bác sĩ sẽ kê đơn sử dụng kháng sinh tại chỗ ( thuốc đặt) và kháng sinh toàn thân ( đường uống) với một số tác nhân như nấm, kia sinh trùng hay các bệnh lây truyền qua đường tình dục, mục đích để điều trị tình trạng viêm nhiễm. Khi viêm được kiểm soát tốt, cổ tử cung sẽ có thể tự tái tạo làm lành tổn thương lộ tuyến.
Nếu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung diện rộng (từ độ 2, độ 3), tùy theo quyết định của bác sĩ, chị em sẽ phải đặt thuốc, kết hợp uống thuốc để hết viêm nhiễm. Sau đó áp dụng phương pháp diệt tuyến (đốt lộ tuyến cổ tử cung).
Cần thường xuyên vệ sinh vùng kín sạch sẽ, không thụt rửa quá sâu vào âm đạo. Thực hiện đời sống tình dục lành mạnh, một vợ một chồng. Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện sớm bệnh, điều trị kịp thời và tránh biến chứng.
Đốt lộ tuyến cổ tử cung
Trường hợp lộ tuyến nặng thì có thể áp dụng các thủ thuật như áp lạnh, đốt điện, laser để diệt lộ tuyến. Nhưng không phải trường hợp nào cũng cần diệt lộ tuyến, có trường hợp chỉ cần điều trị nội khoa là kiểm soát được bệnh.
Một lưu ý quan trọng, phương pháp diệt tuyến không áp dụng cho phụ nữ mang thai, chưa sinh con hoặc chưa sinh đủ số con mong muốn.
Ưu điểm
Đốt lộ tuyến cổ tử cung (đốt diệt tuyến) có một số ưu điểm như:
- Phương pháp diệt tuyến có ưu điểm là kiểm soát bệnh nhanh
- Đốt được lộ tuyến diện rộng
- Thủ thuật nhanh, được ra về ngay
Nhược điểm
Dù đốt lộ tuyến cổ tử cung giúp giảm nhanh triệu chứng, kiểm soát bệnh tốt nhưng cũng có một số nhược điểm, người bệnh cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định thực hiện.
- Không áp dụng với phụ nữ mang thai, chưa sinh con hoặc chưa sinh đủ số con mong muốn
- Một số trường hợp bệnh nhân diệt tuyến rồi nhưng vẫn không dứt điểm. Kể cả các phương pháp diệt tuyến hiện đại như: đốt điện, đốt lazer, đông lạnh cũng không chắc chắn giúp bệnh nhân khỏi hẳn bệnh
- Khi đốt điện, lỗ cổ tử cung có thể bị chít hẹp, cổ tử cung sẽ có sẹo cứng nên việc thụ thai có thể bị ảnh hưởng cũng như gây một số khó khăn trong quá trình sinh đẻ tự nhiên
- Việc đốt lộ tuyến cổ tử cung phải phụ thuộc vào tay nghề của bác sĩ, nếu không sẽ gây chít hẹp cổ tử cung do hình thành các sẹo ở vùng đó.
Hy vong bài viết về viêm lộ tuyến cổ tử cung trên đây có thể cung cấp những thông tin hữu ích cho quá trình khám chữa bệnh của bạn.
Dù bạn mới bị hay đã bị viêm lộ tuyến cổ tử cung từ lâu thì cũng nên tư vấn với bác sĩ chuyên khoa Phụ sản để được hướng dẫn điều trị đúng cách, tránh biến chứng có thể xảy ra về sau.