1. Máu tụ trong não là gì?
Trong cơ thể của mỗi người có nhiều mạch máu lớn, một khi những mạch máu này bị tổn thương sẽ khiến ổ máu tụ lại bên ngoài các mạch máu và được gọi là tụ máu. Máu tụ trong não là hiện tượng tổn thương các mạch máu lớn ở não bao do bị chấn thương vùng đầu, gây ra những biến chứng rất nguy hiểm, có thể gây tử vong cho người bệnh.
Một số nguyên nhân gây tụ máu não bao gồm:
- Sử dụng các loại thuốc chống đông máu
- Tụ máu não do tăng huyết áp
- Chấn thương tại vùng đầu
- Tai nạn giao thông hoặc bị ngã từ trên cao
- Phình động mạch não gây ra các khối tụ máu
- Tổn thương các mô vùng hệ thống mạch máu lân cận do hoạt động nha khoa hay thẩm mỹ
- Bị bệnh động mạch não nhiễm bột...
Rất nhiều trường hợp, phát hiện tụ máu muộn mới đi khám đã xuất hiện nhiều biến chứng như: Đau đầu, ói, hôn mê...dẫn tới khó khăn cho quá trình điều trị. Thực tế, các loại tổn thương này nếu được xử lý kịp thời bằng phương pháp phẫu thuật máu tụ trong não để dẫn lưu máu tụ ra ngoài thì hầu hết phục hồi hoàn toàn ngay sau khi lấy hết máu tụ.
2. Phẫu thuật nội soi lấy máu tụ trong não
2.1. Ưu điểm phẫu thuật nội soi lấy máu tụ trong não
Phẫu thuật lấy máu tụ cầm máu là phẫu thuật thường quy trong phẫu thuật thần kinh. Ưu điểm của phương pháp phẫu thuật nội soi lấy máu tụ trong não làm tăng khả năng kiểm soát, xác định vị trí máu tụ và nguồn gốc chảy máu. Bên cạnh đó, phương pháp này còn giúp phẫu thuật viên lấy hết máu tụ và dễ dàng cầm máu.
2.2. Chỉ định và chống chỉ định nội soi lấy máu tụ trong não
Chỉ định trong trường hợp:
- Máu tụ trong não thùy chẩm
- Máu tụ trong não thất
- Máu tụ trong não thùy thái dương
- Máu tụ trong tiểu não
- Máu tụ trong não thùy đỉnh
- Máu tụ trong não thùy trán
Chống chỉ định: Không có chống chỉ định tuyệt đối khi sử dụng nội soi hỗ trợ lấy máu tụ trong sọ
2.3. Các bước tiến hành phẫu thuật nội soi lấy máu tụ trong não
- Bước 1: Chuẩn bị các dụng cụ vi phẫu, kính vi phẫu, dụng cụ nội soi, nguồn sáng, camera, cáp quang, dụng cụ nội soi, sắp đặt vị trí hệ thống nội soi, màn hình. Đặt tư thế, cố định đầu với khung chuyên dụng. Trong một số trường hợp sử dụng hệ thống định vị neuronavigation cần thiết phải chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ.
- Bước 2: Rạch da, bộc lộ xương sọ, khoan và mở nắp sọ
- Bước 3: Mở màng cứng với sự hỗ trợ của kính vi phẫu; Mở vỏ não tại vùng gần khối máu tụ, ít chức năng, tránh mạch máu và dây thần kinh.
- Bước 4: Sử dụng kính vi phẫu và nội soi hỗ trợ giúp kiểm soát các cấu trúc xung quanh, khối máu tụ và nguồn chảy máu. Ống nội soi được sử dụng bao gồm ống 0, 30, 45 và 70 độ; Dưới ánh sáng nội soi, kiểm soát máu tụ, lấy máu tụ bằng máy hút, ống hút cong. Cầm máu bằng dao điện bipolair cong.
- Bước 5: Đóng màng cứng, cố định nắp sọ và đóng da.
2.3. Theo dõi sau phẫu thuật
- Sau mổ phải theo dõi hô hấp, tuần hoàn, tri giác, liệt, đồng tử, liệt các dây thần kinh sọ, rối loạn cảm giác.
- Nếu chảy máu vết mổ thì thay băng, băng ép, khâu vết thương.
- Nếu phù não thì điều trị nội chống phù, nếu không hiệu quả, mở nắp sọ giảm áp.
- Nếu nhiễm trùng thì sử dụng kháng sinh.
XEM THÊM
- Điều trị ở bệnh nhân tụ máu não do chấn thương sọ não
- Máu tụ dưới màng cứng sau chấn thương nguy hiểm thế nào?
- Dấu hiệu và điều trị tụ máu não