Tuyến giáp là cơ quan nội tiết nằm ở trước cổ liên quan đến các quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Khi tuyến giáp không hoạt động bình thường sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan trong cơ thể như: da, não, gan, tim, thận (1). Vậy có những loại thuốc nào giúp điều trị bệnh tuyến giáp cải thiện tình trạng bệnh? Bài viết sau đây chia sẻ 6 loại thuốc trị tuyến giáp hiệu quả tốt nhất bạn cần hiểu rõ khi bác sĩ chỉ định sử dụng.
Thuốc trị tuyến giáp là thuốc gì?
Thuốc trị tuyến giáp bao gồm hormone giáp tổng hợp và các thuốc kháng giáp. Hormon giáp tổng hợp là thuốc được sử dụng để bổ sung lượng hormone tuyến giáp ở những bệnh nhân suy giáp. Ngược lại, các thuốc kháng giáp được sử dụng cho bệnh nhân dư thừa hormone giáp do cường giáp gây ra. (2)
Thuốc tuyến giáp được sử dụng để làm gì?
Thuốc tuyến giáp được sử dụng để điều trị suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém), cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức), ung thư tuyến giáp (3). Cụ thể:
1. Suy giáp
Khi bệnh suy giáp, người bệnh sẽ được điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone. Thuốc levothyroxine (Levothyrox, Berlthyrox) thường được sử dụng để điều trị bệnh suy giáp.
2. Cường giáp
Trường hợp người bệnh cường giáp sẽ được điều trị bằng thuốc kháng giáp như thiamazole (Thyrozol), carbimazole, hoặc i-ốt phóng xạ. Bên cạnh đó, thuốc chẹn beta cũng được dùng làm giảm các triệu chứng tuyến giáp hoạt động quá mức.
3. Ung thư tuyến giáp
Với người bị ung thư tuyến giáp sẽ phải dùng liệu pháp thay thế hormone, liệu pháp i-ốt phóng xạ sau phẫu thuật để ức chế tế bào ung thư và bổ sung hormone giáp.
Danh sách các loại thuốc trị tuyến giáp tốt nhất
Có nhiều loại thuốc trị tuyến giáp khác nhau, tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc phù hợp để điều trị. Sau đây là danh sách các loại thuốc trị tuyến giáp như:
1. Thay thế hormone tuyến giáp
Thay thế tuyến giáp được dùng điều trị suy giáp trong các trường hợp tuyến giáp hoạt động kém (do bệnh tự miễn dịch, điều trị bằng i-ốt phóng xạ hoặc phẫu thuật cắt bỏ). Bao gồm:
- Levothyroxine hay hormone giáp thyroxine (T4) tổng hợp. Trên thị trường gồm có Levothyrox với các hàm lượng 25mcg, 50mcg, 100mcg và Berlthyrox với các hàm lượng 50mcg và 100mcg.
- Liothyronine hay hormone giáp triiodothyronine (T3) tổng hợp. Trên thị trường gồm có T3 25mcg, Thyro3 25mcg, Liothyronine với các hàm lượng 5mcg, 25mcg, 50mcg
2. Thuốc kháng giáp
- Propylthiouracil (PTU 50mg), Thimazole (Thyrozol 5mg, 10mg)
Thuốc kháng giáp Propylthiouracil dùng điều trị cường giáp (khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp, tăng quá trình trao đổi chất trong cơ thể) ở người lớn, trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Propylthiouracil và Thiamazole hoạt động bằng cách ngăn tuyến giáp tạo ra hormone tuyến giáp. (4)
Propylthiouracil (PTU), methimazole (Tapazole) hoạt động bằng cách làm chậm quá trình sản xuất hormone tuyến giáp, không gây tổn thương vĩnh viễn. Nếu dùng đúng cách, các loại thuốc này sẽ kiểm soát cường giáp chỉ trong vài tuần. Tuy nhiên, việc ngừng thuốc kháng giáp khiến bệnh dễ tái phát. Do đó, một số người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị bằng i-ốt phóng xạ hoặc phẫu thuật cắt bỏ. Tác dụng phụ khi dùng thuốc kháng giáp có thể xảy ra như: đau dạ dày, buồn ngủ, phát ban da, có dư vị đắng trong miệng. Ngoài ra, các tác dụng phụ nghiêm trọng hiếm gặp như: ớn lạnh, sốt, giảm bạch cầu, đau họng, vàng da, bệnh gan.
- Thuốc chẹn thụ thể beta
Thường được dùng điều trị các bệnh lý về tim mạch (cao huyết áp, thiếu máu cơ tim cục bộ…) tuy nhiên thuốc còn được sử dụng trong điều trị cường giáp để ngăn hoạt động của hormone tuyến giáp. Dù thuốc chẹn beta không làm thay đổi nồng độ hormone tuyến giáp trong máu nhưng giúp giảm triệu chứng của bệnh cường giáp như: tăng nhịp tim, run, hồi hộp. Các loại thuốc này hoạt động trong vài giờ sẽ giảm các triệu chứng này. Tuy nhiên, thuốc chẹn beta làm trầm trọng thêm hội chứng Raynaud (sự thay đổi màu sắc ở ngón tay, ngón chân khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh) nên cần báo ngay với bác sĩ khi xảy ra tình trạng này trong quá trình dùng thuốc điều trị.
Thuốc tuyến giáp có an toàn không?
Có. Thuốc tuyến giáp an toàn khi dùng với liều lượng khuyến cáo, theo chỉ định của bác sĩ. Liều lượng xác định dựa trên tuổi tác, sức khỏe, mức độ hormone tuyến giáp trong cơ thể, cân nặng của người bệnh.
Khi người bệnh điều trị suy giáp lần đầu, bác sĩ sẽ thường xuyên theo dõi nồng độ hormone tuyến giáp khác nhau trong máu để xác định điều chỉnh liều lượng thuốc tuyến giáp phù hợp. Khi bác sĩ chỉ định liều lượng chính xác, tần suất của các xét nghiệm máu sẽ giảm. Một số trường hợp, thuốc tuyến giáp thường được dùng suốt đời để cải thiện tình trạng bệnh.
Người bệnh sẽ mất vài tháng điều trị để tuyến giáp trở lại bình thường. Nếu dùng thuốc tuyến giáp theo sự hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh sẽ không gặp nhiều tác dụng phụ. Tác dụng phụ thường gặp do dùng quá nhiều hormone tuyến giáp.
Người không mắc bệnh về tuyến giáp tuyệt đối không được sử dụng hormone tuyến giáp để điều trị bệnh béo phì hoặc giảm cân để tránh nguy hiểm đến sức khỏe. Thậm chí, một số trường hợp dùng loại thuốc này với liều lượng lớn vượt quá mức chỉ định có nguy cơ tử vong.
Cần thận trọng với một số chất bổ sung trong sản phẩm quảng cáo hỗ trợ sức khỏe tuyến giáp có chứa các hormone tuyến giáp nhưng không ghi đủ thành phần trên nhãn. Nếu người bệnh dùng các loại thuốc này kết hợp sử dụng thuốc tuyến giáp sẽ gây độc. Thuốc tuyến giáp cũng có chứa các chất bổ sung được ghi trong nhãn bao gồm mô động vật hoặc thảo mộc như: ashwagandha (nhân sâm Ấn Độ), guggul (cây nhựa thơm Ấn Độ), chất Forskolin được tìm thấy trong rễ cây Coleus forskohlii ở Ấn. Các sản phẩm có chứa rong biển như: tảo bẹ, chứa hàm lượng i-ốt cao cũng ảnh hưởng chức năng tuyến giáp. Do đó, nếu người bệnh đang dùng thuốc tuyến giáp nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ sản phẩm hay thực phẩm bổ sung để tránh ảnh hưởng sức khỏe.
>>>Tham khảo thêm: Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân sau mổ tuyến giáp
Các tác dụng phụ của thuốc tuyến giáp là gì?
Các tác dụng phụ của thuốc tuyến giáp sẽ không gây tác dụng phụ nếu dùng đúng liều lượng. Nếu người bệnh dùng quá nhiều hormone tuyến giáp mới gây tác dụng phụ như:
- Nhịp tim nhanh.
- Khó ngủ.
- Tóc dễ gãy.
- Nhạy cảm với nhiệt độ.
- Thường xuyên đói.
- Lo lắng.
- Run
- Đổ mồ hôi.
- mệt mỏi.
- Giảm cân.
Nếu khi dùng thuốc tuyến giáp, người bệnh có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ ảnh hưởng do tác dụng phụ của thuốc cần đến bác sĩ khám ngay để được xét nghiệm máu kiểm tra tình trạng mức độ hormone tuyến giáp để có phương pháp điều trị kịp thời.
Xét nghiệm nồng độ hormone tuyến giáp khác nhau trong máu để xác định liều lượng dùng thuốc tuyến giáp phù hợp cho từng người bệnh rất quan trọng. Vì vậy, việc lựa chọn cơ sở y tế uy tín để tầm soát các bệnh tuyến giáp rất cần thiết. Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn, cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại sẽ giúp chẩn đoán chính xác, hiệu quả để người bệnh an tâm điều trị, cải thiện bệnh tốt hơn.
Khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường, người bệnh nên đi khám sức khỏe tầm soát bệnh tuyến giáp. Thuốc trị tuyến giáp cần được sử dụng theo sự hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh không tự ý dùng thuốc để tránh nguy hiểm đến sức khỏe.