Quảng (廣) chữ Hán nghĩa là rộng, lớn, mở rộng. Theo các nhà nghiên cứu, Quảng trong tiếng Hán (Quảng Đông, Quảng Tây...) và tiếng Việt (Quảng Nam, Quảng Ngãi...) là một từ gốc Tày - Thái, tương đương với “khoảng” trong tiếng Thái hiện đại, và có nghĩa tương đương hạt, dinh, tiểu khu, vùng...
Đối chiếu lịch sử, chúng ta có thể khẳng định cách gọi “Ngũ Quảng” chỉ ra đời sớm nhất vào năm 1803, vì đến thời điểm này mới xuất hiện đủ 5 đơn vị hành chính - lãnh thổ gọi là “dinh” (doanh), kéo dài từ phía nam đèo Ngang đến phía bắc đèo Bình Đê, có tên là một danh từ ghép, bắt đầu bằng từ tố “Quảng”, đó là: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức
Vào đầu đời vua Trần Anh Tông (1306), sau khi vua Chiêm là Chế Mân dâng cho vua Trần 2 châu Ô, Lý để làm sính lễ cưới Huyền Trân công chúa, vùng đất Thuận Hóa của quốc gia Đại Việt đã được hình thành trên cơ sở sáp nhập 2 châu này và 3 châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính mà vua Chiêm Chế Củ đã dâng cho vua Lý để giảng hòa trước đó.
Năm Quang Thuận thứ 7 (1466), vua Lê Thánh Tông chia nước ta làm 12 đạo thừa tuyên. Đạo thừa tuyên Thuận Hóa là vùng đất xa nhất về phương nam, coi sóc 2 phủ Tân Bình và Triệu Châu với 7 huyện (Phong Lộc, Lệ Thủy, Phú Vang, Hương Trà, Quảng Điền, Hải Lăng, Đăng Xương) và 4 châu (Minh Linh, Bố Chính, Thuận Bình, Sa Bôi).
Núi Răng Cưa nằm ở ranh giới phía tây 2 tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi
L.H.K
Phủ Tân Bình, sau cải làm Tiên Bình, rồi Quảng Bình. Sách Đại Nam nhất thống chí chép về sự kiện này như sau: “Mùa hạ năm Tân Dậu (1801), Thế Tổ Cao Hoàng Đế lấy lại được đất cũ, bèn bỏ châu Thuận Chính, vẫn gọi là 2 châu Bố Chính Nội và Bố Chính Ngoại, đặt làm dinh Quảng Bình…” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, NXB Thuận Hóa, Huế, 2006; trang 107).
Năm Gia Long thứ 5, dinh Quảng Bình trực lệ vào kinh sư; năm Minh Mạng thứ 8 (1827) đổi thành trấn Quảng Bình, không còn “trực lệ”. Năm 1832 (Minh Mạng thứ 13) Quảng Bình trở thành một trong 31 tỉnh của cả nước. Phủ Triệu Châu, nhà Nguyễn cải tên là Triệu Phong, đặt hai dinh cai quản là dinh Quảng Trị và dinh Quảng Đức.
Như vậy, phủ Tân Bình chính là tiền thân của tỉnh Quảng Bình; còn phủ Triệu Phong là tiền thân của dinh Quảng Trị và dinh Quảng Đức, nay là tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Quảng Nam, Quảng Ngãi
Năm 1402, nhà Hồ lấy đất Chiêm Động và Cổ Lũy Động của Chiêm Thành đặt thành 4 châu Thăng, Hoa (nay là đất Quảng Nam), Tư, Nghĩa (nay là đất Quảng Ngãi). Trải qua nhiều biến động, đến sau năm 1471, tức là sau cuộc Nam chinh của vua Lê Thánh Tông, vùng đất Nam - Ngãi cùng với thành Đồ Bàn trở thành Đạo thừa tuyên Quảng Nam của Đại Việt, cai quản ba phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhân.
Năm 1602, Nguyễn Hoàng đổi phủ Tư Nghĩa thành phủ Quảng Nghĩa, đồng thời thành lập dinh Quảng Nam cai quản ba phủ: Thăng Hoa, Quảng Nghĩa và Hoài Nhân; 3 năm sau thêm phủ Điện Bàn. Năm 1803, dinh Quảng Nam chia thành 3 dinh: Hai phủ Điện Bàn và Thăng Hoa được tách ra thành một dinh lấy tên là dinh Quảng Nam. Phủ Tư Nghĩa được đặt làm dinh Quảng Ngãi. Phủ Quy Nhơn được đặt làm dinh Bình Định.
Năm 1832 (Minh Mạng thứ 13) chia cả nước thành 31 đơn vị hành chính. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ra đời. Hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi còn có lúc mang tên là Nam Trực (nằm ở mạn nam kinh đô), đối ứng với Bắc Trực là vùng Quảng Bình, Quảng Trị.
Như vậy, Quảng Nam và Quảng Ngãi là đất Chiêm Động và Cổ Lũy Động thời Chiêm Thành cai quản, sau là dinh Quảng Nam và dinh Quảng Ngãi (1803) rồi tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi (1932).
Ở đây có vấn đề cần lưu ý:
Thứ nhất, cần phân biệt địa danh Quảng Nam ở hai giai đoạn lịch sử khác nhau. Giai đoạn danh xưng Quảng Nam, với phạm vi rộng, từ thời Lê Thánh Tông (1471) cho đến thời Gia Long (1803). Lúc đầu có tên là đạo thừa tuyên Quảng Nam, sau đổi thành xứ Quảng Nam (1490), rồi trấn Quảng Nam (1520), doanh (hay dinh) Quảng Nam (1602). Dù mang tên gọi đơn vị hành chính khác nhau, nhưng khái niệm Quảng Nam thời kỳ này bao gồm đất của 3 phủ Thăng Hoa (nam Quảng Nam), Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) và Hoài Nhơn (Bình Định), trải dài từ bờ nam sông Thu Bồn đến phía bắc đèo Cù Mông.
Giai đoạn danh xưng Quảng Nam với phạm vi hẹp. Một năm sau khi lên ngôi, Gia Long tiến hành cải cách hành chính trong cả nước (1803), trong đó dinh Quảng Nam (lớn) chia thành 3 dinh nhỏ (như đã nói ở trên).
Thứ hai, từ năm 1821, dinh Quảng Đức đổi thành phủ Thừa Thiên, phủ “phụ kỳ” của kinh đô.
Thứ ba, “Ngũ Quảng” không liên quan đến tỉnh Quảng Tín hoặc tỉnh Quảng Đức dưới thời chính quyền Sài Gòn như một số người nhầm. Quảng Tín là tỉnh được chính quyền Sài Gòn thành lập, gồm TX.Tam Kỳ (tỉnh lỵ) và 5 quận là Thăng Bình, Lý Tín, Tuân Đức, Hậu Đức, Hiệp Đức; năm 1976 hợp nhất với các địa phương khác thành Quảng Nam - Đà Nẵng; nay là một phần của tỉnh Quảng Nam. Tỉnh Quảng Đức gồm TX.Gia Nghĩa và 3 quận: Đức Lập, Kiến Đức, Khâm Đức. Sau năm 1976, phần đất các huyện này nằm trong tỉnh Đắk Lắk, nay phần lớn thuộc tỉnh Đắk Nông.
Như vậy, Ngũ Quảng chính là Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Quảng Đức (Thừa Thiên-Huế ngày nay), trong đó có 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi vốn thuộc vùng đất Quảng Nam xưa. (còn tiếp)