Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, ngành Công tác xã hội đã và đang có những bước tiến quan trọng để đáp ứng những nhu cầu tất yếu do chính đời sống kinh tế - xã hội đặt ra.
Việc đào tạo cán bộ, nhân viên ngành Công tác xã hội chuyên nghiệp là điều cần thiết. Tuy nhiên, tính tới cuối năm 2022, nước ta mới có hơn 70 trường đại học, cao đẳng, cơ sở dạy nghề có đào tạo chuyên ngành Công tác xã hội. Trong số này, chỉ có 2 cơ sở đào tạo bậc tiến sĩ đúng chuyên ngành. [1]
Học sinh thành phố “ngại” chọn học Công tác xã hội
Trường Đại học Công đoàn là nơi đầu tiên ở miền Bắc được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở ngành Công tác xã hội trình độ đại học theo Quyết định số 5239/QĐ/BGD&ĐT-ĐH&SĐH ngày 29/9/2003.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Vân Anh, Trưởng khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Công đoàn cho biết:
“Ba năm gần đây, số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển vào ngành đều tăng. Chỉ tiêu là 200 nhưng số lượng thí sinh trúng tuyển năm nào cũng vượt. Đặc biệt năm ngoái, khoa nhận được gần 800 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, điểm trúng tuyển thường không cao”.
Điểm chuẩn và số lượng thí sinh trúng tuyển ngành Công tác xã hội tại Trường Đại học Công đoàn hai năm gần đây. (Ảnh chụp màn hình trích từ Đề án tuyển sinh Trường Đại học Công đoàn năm 2023)
Điểm chuẩn ngành lần lượt là 19.70 (2021) và 19.0 (2022) trên thang điểm 30. Số thí sinh trúng tuyển nhập học là 207 (2021) và 294 (2022).
Vì điểm trúng tuyển không cao nên trong quá trình giảng dạy, giảng viên tại khoa cũng gặp nhiều khó khăn vì khả năng tiếp thu của nhiều sinh viên còn chậm. Số lượng sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi mỗi năm cũng ít.
Sinh viên ngành Công tác xã hội, Trường Đại học Công đoàn làm bài tập nhóm môn Kỹ năng giao tiếp. Ảnh: Website của Khoa
Phó Giáo sư Đỗ Thị Vân Anh chia sẻ thêm: “Tại khoa Công tác xã hội, tỷ lệ học sinh thành phố hoặc có thành tích học tập vượt trội còn thấp. Bởi những học sinh này thường có nhiều lựa chọn hơn nên thường thích những ngành học hot, thực tế như kinh doanh, công nghệ, tài chính-ngân hàng.
Bên cạnh đó, do nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về nghề nên cứ nhắc đến công tác xã hội, là nghĩ phải đi chăm sóc, hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật hay đi làm từ thiện, khiến nhiều bạn trẻ e ngại. Nếu không có đam mê, tình yêu thương thì rất khó theo đuổi nghề.”
Theo cô Vân Anh, cơ hội nghề nghiệp của ngành Công tác xã hội hiện không còn bó hẹp trong nhóm yếu thế mà đã rộng mở hơn.
Những cựu sinh viên của khoa đang làm việc trong nhiều vị trí khác nhau như: cán bộ tại trung tâm chăm sóc trẻ tự kỷ, viện dưỡng lão, phòng tham vấn tâm lý học đường của các trường quốc tế, hay chuyên gia tổ chức sự kiện.
Hiện nay ngoài các lĩnh vực nêu trên, với sự bùng nổ của các khu công nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố, nhu cầu về nguồn nhân lực ngành Công tác xã hội là rất lớn. Bởi đây là nơi tập trung lao động di cư từ nhiều địa phương, trong công việc và cuộc sống hàng ngày không tránh khỏi những va chạm, xung đột hay sự việc phức tạp xảy đến.
Ngoài ra, trong lĩnh vực tư pháp cũng rất cần những người làm công tác xã hội để hỗ trợ, giúp đỡ những đối tượng như: người vi phạm pháp luật, người phạm tội, người bị hại, người bị kết án, người trong quá trình chấp hành hình phạt và đã chấp hành xong hình phạt.
Theo đề án tuyển sinh mà Trường Đại học Công đoàn công bố hồi tháng 4/2023, tỷ lệ sinh viên ngành Công tác xã hội có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp là 91.3% (theo tổng số sinh viên phản hồi).
Số lượng tiến sĩ Công tác xã hội chưa nhiều
Tại khu vực phía Nam, khoa Công tác xã hội (gọi tắt là Khoa) của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập năm 2006 với khoá cử nhân đầu tiên 2007-2011.
Trả lời phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Tạ Thị Thanh Thuỷ - giảng viên của Khoa cho biết chỉ tiêu tuyển sinh đại học hàng năm của ngành Công tác xã hội dao động từ 70 đến 80 chỉ tiêu.
Số lượng sinh viên nhập học trong 5 năm gần đây (2017-2022) đều đạt và vượt chỉ tiêu. Điểm trúng tuyển của ngành trong năm 2021 và 2022 theo từng tổ hợp xét tuyển dao động từ 21.75 đến 24.3 theo thang điểm 30.
Theo đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ sinh viên ngành Công tác xã hội của trường đã có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp là 64.71% (theo tổng số sinh viên phản hồi).
Chỉ tiêu tuyển sinh và số lượng sinh viên nhập học ngành Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh những năm gần đây. Ảnh: Khoa Công tác xã hội cung cấp
Theo cô Thuỷ, trong quá trình giảng dạy, bên cạnh những thuận lợi như nhận được sự quan tâm của Nhà trường, của hệ thống các trường có đào tạo cử nhân ngành Công tác xã hội, được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế tài trợ thực hiện nhiều dự án, tạo lập được mạng lưới cơ sở thực tập uy tín cho sinh viên, Khoa vẫn còn một số khó khăn phải kể đến như:
Thứ nhất, số lượng tiến sĩ được đào tạo ngành Công tác xã hội tại các trường trên thế giới về Việt Nam làm việc còn hạn chế. Trong khi đó, số lượng tiến sĩ đúng chuyên ngành được đào tạo trong nước vẫn chưa nhiều. Hiện tại, Khoa đang đào tạo bậc cử nhân và thạc sĩ Công tác xã hội.
Số lượng giảng viên, nhân viên của Khoa gồm 21 người, trong đó có 15 cán bộ giảng dạy, 100% đạt trình độ sau đại học với 5 tiến sĩ và 9 thạc sĩ (trong đó có 6 thạc sĩ đang là nghiên cứu sinh trong nước).
Hiện nay, chỉ có 2 cơ sở giáo dục trong nước đào tạo trình độ tiến sĩ chuyên ngành Công tác xã hội là Học viện Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thứ hai, hệ thống học liệu (giáo trình, tài liệu tham khảo) ngành Công tác xã hội bằng tiếng Việt còn khiêm tốn.
Thứ ba, một số lĩnh vực của ngành Công tác xã hội với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương (người nghèo, người yếu thế...) vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ xã hội.
Để sinh viên có hứng thú hơn với ngành Công tác xã hội, Khoa đã có nhiều thay đổi về phương pháp giảng dạy, ví dụ: dạy học theo mô hình lớp học đảo ngược; kết hợp học trên lớp với đi thực tế và thực hành tại các cơ sở xã hội; tăng cường các hoạt động ngoại khoá để sinh viên nâng cao kiến thức kỹ năng…
Ban chủ nhiệm khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đón tiếp các tân học viên cao học năm 2022. Ảnh: Website của Khoa
Trước những khó khăn chung, khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra một số đề xuất:
Hoàn thiện hệ thống chính sách, Luật Công tác xã hội và những đãi ngộ cho người làm Công tác xã hội trong các lĩnh vực đặc thù;
Nâng cao tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ngành Công tác xã hội để tăng chất lượng đào tạo; Duy trì và phát triển mạng lưới các cơ sở thực hành thực tập cho sinh viên;
Tăng cơ hội tuyển dụng cho sinh viên tốt nghiệp ngành Công tác xã hội; Liên kết, hợp tác với các tổ chức chính phủ và phi chính phủ để thực hiện các dự án công tác xã hội.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://nhandan.vn/moi-co-hon-70-co-so-dao-tao-chuyen-nganh-cong-tac-xa-hoi-post728025.html