Kinh doanh ăn uống trong khách sạn, du lịch là một lĩnh vực hiện nay đang được rất nhiều người quan tâm. Đây là môi trường kinh doanh đặc thù, không giống với kinh doanh ăn uống bình thường. Cùng Luận Văn Việt tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây.
1. Khái niệm kinh doanh ăn uống trong khách sạn
Kinh doanh ăn uống trong khách sạn là một phần trong kinh doanh khách sạn, nó bao gồm các hoạt động chế biến thức ăn, bán và phục vụ nhu cầu tiêu dùng các thức ăn, đồ uống và cung cấp các dịch vụ khác nhằm thỏa mãn các nhu cầu về ăn uống và giải trí tại các nhà hàng của khách sạn cho khách nhằm mục đích có lãi.
2. Nội dung của kinh doanh ăn uống trong khách sạn, du lịch
Kinh doanh ăn uống trong du lịch gồm ba nhóm hoạt động: hoạt động sản xuất vật chất, hoạt động lưu thông, hoạt động tổ chức phục vụ.
Hoạt động sản xuất vật chất là việc chế biến thức ăn cho khách. Như vậy, kinh doanh ăn uống trong du lịch đã thực hiện nhiệm vụ sản xuất. Từ những sản phẩm của ngành nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm như: gạo, thịt, rau, cá…qua bàn tay của người đầu bếp chúng đã biến thành những món ăn nóng, đồ ăn nguội, các loại đồ uống.
Chúng không chỉ được đảm bảo về an toàn thực phẩm, trình bày, trang trí đẹp mà còn rất thơm ngon. Cùng một loại nguyên liệu nhưng người đầu bếp có thể chế biến ra nhiều món ăn ngon. Do đó, kinh doanh ăn uống trong du lịch đã tạo ra giá trị sử dụng mới và giá trị mới sau quá trình sản xuất của mình và lao động tại khu vực bếp của các nhà hàng chính là lực lượng lao động sản xuất vật chất của nhà hàng.
Trong kinh doanh ăn uống, hoạt động sản xuất vật chất có nhiệm vụ chế biến ra các món ăn cho khách thì hoạt động lưu thông lại có nhiệm vụ trao đổi và bán các thành phẩm, đó là các món ăn và đồ uống đã được chế biến sẵn. Nó vận chuyển những hàng hóa này từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng. Nơi sản xuất có thể ngay tại nhà hàng và có thể là nơi khác.
Như vậy, hoạt động lưu thông của kinh doanh ăn uống trong du lịch là bán sản phẩm do chính nhà hàng tự sản xuất và bán những sản phẩm của các ngành và nơi khác. Hoạt động này chính là hoạt động mang lại doanh thu cho nhà hàng, bán được càng nhiều sản phẩm thì doanh thu của nhà hàng càng cao và như vậy nó lại thúc đẩy sản xuất càng nhiều món ăn, đồ uống.
Ngoài 2 hoạt động trên thì kinh doanh ăn uống trong khách sạn còn có hoạt động tổ chức phục vụ là việc tạo điều kiện và cung cấp các điều kiện để khách tiêu thụ, nghỉ ngơi và thư giãn. Kinh doanh ăn uống không chỉ bán những sản phẩm do mình sản xuất ra mà còn bán những sản phẩm của các ngành khác và nơi khác.
Vì vậy, nó cũng không chỉ phục vụ các sản phẩm do mình chế biến ra mà còn phục vụ các sản phẩm chuyển bán của các ngành khác cho khách ngay tại nhà hàng. Ăn uống trong du lịch đòi hỏi phải có cơ sở vật chất kỹ thuật đặc biệt, với mức độ trang thiết bị tiện nghi cao, đội ngũ nhân viên phục vụ cũng đòi hỏi có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, thái độ phục vụ tốt nhằm đảm bảo việc phục vụ trực tiếp nhu cầu tiêu dùng các món ăn, đồ uống cho khách tại nhà hàng.
Hoạt động này giúp khách cảm thấy hài lòng hơn khi tiêu dùng dịch vụ ăn uống tại nhà hàng. Mức độ hài lòng của khách càng cao thì nhà hàng sẽ thu hút càng nhiều khách.
Ba hoạt động này có mối quan hệ chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau, nếu thiếu một trong ba hoạt động này thì không những sự thống nhất giữa chúng bị phá hủy mà còn dẫn đến sự thay đổi về bản chất của kinh doanh ăn uống trong du lịch.
Ba hoạt động này gắn bó với nhau và không thể xác định được tỷ trọng tương đối của từng hoạt động trong tổng thể. Tỷ trọng này không ngừng thay đổi dưới tác động của nhiều nhân tố khác nhau.
3. Đặc điểm kinh doanh ăn uống trong khách sạn
Kinh doanh ăn uống trong khách sạn là một phần trong kinh doanh khách sạn nên nó cũng có những đặc điểm của kinh doanh khách sạn. Ngoài những đặc điểm chung của kinh doanh khách sạn thì kinh doanh ăn uống trong khách sạn lại có những nét đặc trưng cơ bản sau:
- Tổ chức ăn uống trong khách sạn chủ yếu là cho khách du lịch - là những người ngoài địa phương. Họ có thể đến từ nhiều nơi khác nhau trong phạm vi quốc gia, họ có thể đến từ nhiều quốc gia khác nhau nên họ có những thói quen và tập quán khác nhau.
Điều này đòi hỏi các khách sạn phải tổ chức phục vụ ăn uống phù hợp với yêu cầu và tập quán của khách du lịch mà không thể bắt họ phải tuân theo tập quán của địa phương. Mọi sự coi thường tập quán ăn uống của khách đều dẫn đến mức độ thỏa mãn thấp trong việc làm thỏa mãn nhu cầu của khách và từ đó ảnh hưởng xấu đến kết quả kinh doanh của khách sạn.
- Các khách sạn thường được xây dựng ở những nơi cách xa nơi cư trú thường xuyên của khách nên khách sạn phải tổ chức ăn uống toàn bộ cho khách du lịch bao gồm các bữa ăn chính (sáng, trưa, tối), các bữa ăn phụ và phục vụ cả đồ uống.
- Khách sạn phải tạo ra những điều kiện và phương thức phục vụ nhu cầu ăn uống thuận lợi nhất cho khách: tổ chức phục vụ ăn sáng và đồ uống ngay tại những nơi mà khách ưa thích như ngoài bãi biển, trung tâm thể thao, tại phòng họp… Và đây được gọi là phục vụ tại chỗ.
- Việc phục vụ ăn uống cho khách du lịch đồng thời cũng là hình thức giải trí cho khách. Vì vậy, ngoài các dịch vụ ăn uống, các khách sạn cần chú ý tới việc tổ chức các hoạt động giải trí cho khách và kết hợp những yếu tố dân tộc cổ truyền trong cách bài trí kiến trúc, cách mặc đồng phục của nhân viên phục vụ hoặc ở hình thức của các dụng cụ ăn uống và các món ăn đặc sản của nhà hàng.
4. Tổ chức bộ phận kinh doanh ăn uống trong khách sạn
Để tìm hiểu việc kinh doanh ăn uống của một khách sạn thì chúng ta phải tìm hiểu thông qua bộ phận kinh doanh ăn uống của khách sạn. Chức năng chính của bộ phận này là kinh doanh thức ăn, đồ uống và phục vụ nhu cầu ăn uống tại nhà hàng cho khách sạn.
Nếu cơ sở lưu trú chỉ có một nhà hàng phục vụ ăn uống thì tổ chức công việc sẽ đơn giản nhưng nếu cơ sở đó lại có nhiều nhà hàng,quầy uống và nhiều hình thức phục vụ thì nó sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
Tùy thuộc vào quy mô của từng bộ phận kinh doanh ăn uống mà số lượng các nhà hàng, quầy bar sẽ khác nhau. Mỗi nhà hàng sẽ hướng tới những nhóm khách hàng mục tiêu khác nhau, từ đó thì các việc trang trí, thực đơn của các nhà hàng cũng khác nhau để phù hợp với từng khách hàng mục tiêu.
Đây chính là mô hình mà nhiều bộ phận kinh doanh ăn uống áp dụng để tăng hiệu quả kinh tế và tăng khả năng cạnh tranh của bản thân.
Mỗi nhà hàng, quán bar hay bộ phận tiệc và bộ phận phục vụ ăn uống tại phòng đều có một nhà quản lý, một trợ lý và một giám sát viên. Tùy thuộc và công việc của từng bộ phận nhỏ trong bộ phận kinh doanh ăn uống mà có 2 hay nhiều người tổ trưởng.
Mỗi nhà hàng, quán bar, bộ phận tiệc và bộ phận phục vụ ăn uống có quy mô khác nhau mà số lượng nhân viên khác nhau. Tại các khách sạn lớn thì số lượng nhân viên của bộ phận tiệc thường đông hơn các bộ phận khác do khối lượng công việc của nó nhiều hơn.
Lao động trong bộ phận kinh doanh ăn uống trong khách sạn thì tỷ lệ nhân viên nữ thường cao hơn tỷ lệ nhân viên nam. Đặc điểm của công việc phục vụ là chính và phải phục vụ nhiều đối tượng khách khác nhau. Do vậy đòi hỏi nhân viên phải có tính kiên trì, nhẫn nại cho nên tỷ lệ nhân viên nữ sẽ cao hơn tỷ lệ nhân viên nam.
Hi vọng bài viết này đã cung cấp đầy đủ những kiến thức về “hoạt động kinh doanh ăn uống trong khách sạn” mà bạn đang tìm kiếm.
Nếu trong quá trình làm bài tiểu luận bạn gặp bất kì khó khăn nào, đừng chần chừ liên hệ tới dịch vụ tư vấn viết thuê tiểu luận của Luận Văn Việt theo số điện thoại 0915 686 999 để được đội ngũ chuyên gia tư vấn giải đáp thắc mắc.
Nguồn: Luanvanviet.com