Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí ERJ Open Research của Anh, đau nhức xương khớp là một trong 10 di chứng phổ biến hàng đầu mà người khỏi Covid-19 gặp phải. Tình trạng này gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách xử lý vấn đề này.
1. Triệu chứng đau nhức xương khớp hậu Covid
Triệu chứng hậu Covid-19 thường kéo dài từ nhiều tuần đến nhiều tháng sau khi khỏi bệnh. Bên cạnh các di chứng như sốt nhẹ, khó thở, ho, mệt mỏi… nhiều F0 sau khi âm tính còn bị đau nhức xương khớp. Theo nghiên cứu do Tạp chí Y khoa Nature Medicine, có khoảng 27% F0 bị đau cơ xương khớp sau khi khỏi Covid-19.
Các triệu chứng là đau nhức, mỏi cơ xương… Vị trí đau thường gặp là: Khớp gối, khớp vai, cổ, lưng… Tình trạng này có thể kéo dài từ 12 tuần đến 6 tháng với các mức độ khác nhau.
Đối với những người có tiền sử mắc các bệnh lý xương khớp như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, gout… thì các triệu chứng thường nặng hơn. Xương khớp của người bệnh cũng dễ tổn thương hơn và việc lựa chọn thuốc cũng phức tạp hơn.
Đau nhức xương khớp là bệnh gì? Nguyên nhân do đâu?
2. Nguyên nhân gây đau nhức xương khớp hậu Covid
Cơ chế tạo ra di chứng này vẫn chưa được tìm hiểu rõ. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã nêu ra lý do có thể là khởi nguồn cho tình trạng này.
2.1. Phản ứng viêm toàn thân
Khi cơ thể bị virus SARS-CoV-2 xâm nhập sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch. Nó sẽ nhận diện mối đe dọa và đưa ra các biện pháp “chống trả”. Trong quá trình này, yếu tố tiền viêm là Cytokine được sản sinh ra. Khi Cytokine được sinh ra quá mức có thể kích hoạt tất cả các thụ thể đau trong cơ thể. Ngoài tác động tới các tế bào ở phổi, thận, tim, nó còn ảnh hưởng tới xương khớp.
2.2. Tổn thương tế bào
Virus khi đi vào cơ thể sẽ gây tổn thương cơ, mạch máu và đặc biệt là chỏm xương đùi. Các tế bào xương khớp bị tổn thương sẽ để lại di chứng là các cơn đau nhức, viêm khớp.
2.3. Tác dụng phụ của thuốc
Sử dụng corticosteroid kéo dài trong thời gian điều trị Covid-19 cũng có thể là nguyên nhân. Bởi loại thuốc này gây tác dụng phụ lên xương khớp. Nó có thể gây giảm mật độ xương, hoại tử mô xương. Từ đó gây nên các cơn đau.
2.4. Người bệnh hạn chế vận động
Sự mệt mỏi trong quá trình mắc bệnh cùng suy nghĩ cần nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt khiến nhiều người hạn chế vận động. Đặc biệt là những bệnh nhân mắc Covid-19 thể nặng phải nằm một chỗ lâu ngày. Điều này vô tình làm mất đi sự linh hoạt, dẻo dai của cơ xương khớp. Lâu dần khớp bị cứng, giảm tiết dịch khớp gây đau và khó khăn trong vận động.
2.5. Làm việc quá sức ngay sau khi âm tính
Ngay sau khi khỏi Covid-19, không ít người đã ngay lập tức quay lại làm việc với cường độ cao trong khi sức khỏe chưa hoàn toàn hồi phục. Điều này sẽ gây áp lực lớn cho xương khớp vốn đang “mệt mỏi”. Bên cạnh đó, căng thẳng trong công việc cũng khiến cảm giác đau tăng nặng hơn.
3. Khi nào cần tới gặp bác sĩ?
Nhiều trường hợp triệu chứng đau nhức nhẹ và tự biến mất sau một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, khi gặp phải một trong các tình trạng sau hãy đi thăm khám:
- Sức khỏe xương khớp không được cải thiện sau từ 2 - 3 tháng khỏi Covid-19
- Đau nhức ngày càng dữ dội hơn, ngay cả khi đã áp dụng biện pháp chăm sóc tại nhà.
- Cơn đau ảnh hưởng tới khả năng vận động.
- Tê bì tay chân.
- Cứng khớp tay chân.
- Yếu chi, khó giữ thăng bằng.
4. Điều trị đau nhức xương khớp hậu Covid
Một số biện pháp điều trị sẽ giúp giảm bớt các cơn đau nhức của người bệnh. Chúng cũng có khả năng hỗ trợ phục hồi chức năng vận động bình thường của xương khớp.
4.1. Chườm giảm đau
Chườm lạnh hoặc chườm nóng là cách giảm đau nhức xương khớp hậu Covid tạm thời. Bạn có thể lấy túi nước đá, khăn bọc đá, túi chườm nóng hoặc khăn ấm để chườm lên vùng bị đau. Mỗi lần chườm khoảng 15 phút. Lưu ý nhiệt độ để tránh bị bỏng. Ngoài ra, bạn có thể ngâm mình trong bồn tắm nước nóng để thư giãn xương khớp.
4.2. Thuốc Tây trị đau nhức xương khớp hậu Covid
Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc để giảm bớt tình trạng viêm đau cho người bệnh. Lưu ý là người bệnh chỉ dùng thuốc Tây dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Thuốc giảm đau chống viêm không steroid: Acetaminophen, Ibuprofen… Tuy nhiên, loại thuốc này cần đặc biệt thận trọng với người bị đau dạy dày, bệnh tim mạch, người đang dùng thuốc chống đông máu…
- Glucosamine sulfate đường uống: Bổ sung chất nhờn cho khớp, hỗ trợ giảm đau khớp.
4.3. Vật lý trị liệu
Xoa nắn mô mềm, nhiệt trị liệu, điện xung trị liệu… là các kĩ thuật vật lý trị liệu có thể được áp dụng. Bác sĩ trị liệu sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp với từng đối tượng. Nó có thể kéo dài và cần sự kiên nhẫn phối hợp của người bệnh.
4.4. Bài tập giảm đau nhức xương khớp hậu Covid
Việc lựa chọn các bài tập phù hợp với thể trạng và tập luyện đều đặn mỗi ngày tại nhà có thể hữu ích. Tập luyện sẽ hỗ trợ giảm đau. Nó cũng giúp cải thiện khả năng vận động, tăng cường sức mạnh xương khớp, tái tạo sụn khớp. Hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ để lựa chọn bài tập thích hợp. Dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn.
Ngồi mở rộng gối
- Ngồi thẳng trên ghế. Bàn chân chạm sàn.
- Nâng từ từ chân trái lên song song với mặt sàn. Giữ nguyên trong 5 giây.
- Trở lại tư thế ban đầu và đổi chân. Lặp lại 10 lần mỗi bên.
Đứng lên ngồi xuống
- Đứng thẳng, chân rộng bằng vai. Đằng sau lưng kê một chiếc ghế.
- Nâng hai tay ra phía trước mặt, song song với sàn.
- Từ từ ngồi xuống cho tới khi mông chạm mặt ghế thì ấn gót chân để đứng lên. Trở lại tư thế ban đầu.
- Lặp lại động tác 10 lần.
Nâng bụng
- Nằm ngửa. Hai tay duỗi thẳng theo thân, lòng bàn tay úp xuống sàn.
- Co đầu gối, hai chân rộng bằng vai, lòng bàn chân chạm sàn.
- Từ từ nâng hông khỏi sàn, giữ lưng thẳng. Giữ nguyên tư thế trong 5 giây.
- Trờ về tư thế ban đầu. Lặp lại động tác 5 lần.
5. Một số lưu ý
- Bên cạnh các biện pháp điều trị, người bệnh cũng cần lưu ý xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học. Một số loại thực phẩm tốt cho xương khớp hậu Covid-19 có thể kể đến là: Cá béo, rau có màu xanh, ngũ cốc nguyên hạt, sữa và các chế phẩm từ sữa, dầu ô liu… Ngược lại cũng nên hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, thức ăn nhiều đường, đồ uống có cồn…
- Hãy dành ra 30 phút mỗi ngày để tập luyện. Bên cạnh các bài tập thể dục, bạn có thể lựa chọn đi bộ, bơi, yoga, đạp xe đạp…
- Cần thăm khám để xác định chính xác liệu tình trạng đau nhức xương khớp hiện tại có phải di chứng hậu Covid hay là vấn đề sức khỏe khác.
- Không nên tự ý dùng thuốc Tây nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Đau nhức xương khớp hậu Covid không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, sinh hoạt mà còn cản trở người bệnh quay trở lại với cuộc sống, công việc bình thường. Do đó, nếu nghi ngờ mình đang gặp phải tình trạng này hãy đi thăm khám để điều trị kịp thời.
XEM THÊM
- Đau nhức xương khớp nên ăn gì và kiêng gì? Gợi ý dành cho bạn
- Nguyên nhân gây đau nhức xương khớp mùa lạnh
- Tại sao đau nhức xương khớp khi ngồi lâu trong điều hòa?